Hà Nam: Tăng cường phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước đã xuất hiện 1.452 ổ dịch tại 48 tỉnh, thành phố. Tại tỉnh ta, đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Yên Nam (thị xã Duy Tiên), phải tiêu hủy 29 con lợn mắc bệnh. Để hiểu rõ hơn về tác động của dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn và các biện pháp phòng chống, phóng viên (P.V) đã trao đổi với ông Đinh Huy Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xung quanh vấn đề này.

dịch tả lợn hà nam

Tiêm vắc-xin phòng bệnh tại trang trại của anh Nguyễn Công Trung Nhận, xã Văn Xá (Kim Bảng). Ảnh: Kim Chi

P.V: Với nhiều diễn biến phức tạp, theo ông, dịch tả lợn châu Phi đang tác động thế nào đến chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Đinh Huy Bách: Dịch tả lợn châu Phi vẫn là đối tượng dịch bệnh nguy hiểm, có nguy cơ bùng phát và lây lan rất cao. Thể hiện rõ nhất, cùng với mức độ lây lan trên diện rộng ở hơn 70% số tỉnh, thành phố trong cả nước, lượng lợn tiêu hủy lên đến trên 81 nghìn con, cao gấp 2,6 lần cùng kỳ năm 2023.

Với tỉnh ta, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi có thể xuất hiện trở lại trong bất cứ thời điểm nào do nhiều yếu tố, như: khả năng vi rút lưu truyền từ các ổ dịch cũ vẫn còn trong môi trường; dịch bệnh có thể lây lan qua đường vận chuyển; chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam tại xã Bối Cầu (Bình Lục) vận chuyển lợn thịt từ nhiều nơi về buôn bán khả năng lây truyền cao…

Những diễn biến của dịch bệnh trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, tâm lý của người dân trong đầu tư phát triển chăn nuôi mặc dù giá lợn hơi xuất chuồng đang duy trì ở mức cao. Tại các địa phương, hiện tỷ lệ hộ chăn nuôi giảm khoảng 15 – 20%, tập trung vào những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư; đàn lợn của tỉnh hiện nay giảm, chỉ bằng hơn 96% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 96,7% kế hoạch. Phần lớn những chuồng trại chăn nuôi trước đây bị dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ cao đều bỏ trống, hoặc người dân chuyển sang nuôi gia cầm…

P.V: Vậy ngành Nông nghiệp đã đề ra những giải pháp gì để phòng chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, thưa ông?

Ông Đinh Huy Bách: Cần xác định rõ đây là đối tượng dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn, gây ra rủi ro cao cho quá trình chăn nuôi của người dân. Do vậy, ngành Nông nghiệp đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Theo đó, các địa phương trong tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật; hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động công tác giám sát, phát hiện kịp thời dịch bệnh ngay từ sớm để có biện pháp xử lý khi dịch còn diện hẹp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển động vật, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, vận chuyển lợn ốm, bệnh; ngăn chặn hiệu quả tình trạng vứt xác lợn chết ra nơi công cộng làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp còn phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng tới người chăn nuôi về các biện pháp kỹ thuật để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi hiệu quả; khuyến khích người dân tiêm vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất cho đàn lợn thịt theo quy định và thực hiện rà soát, thống kê chính xác số lượng vật nuôi, nhất là đàn lợn để đăng ký tiêm phòng bổ sung các tháng cuối năm bảo đảm đạt tỉ lệ tiêm phòng các loại bệnh theo kế hoạch, giúp nâng cao sức đề kháng giai đoạn chuyển mùa, lạnh giá của mùa đông.

Trên thực tế, thời gian qua, các địa phương, cơ sở đã thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh, kết quả công tác phòng, chống dịch định kỳ, đột xuất theo quy định. Qua đó, giúp cơ quan chức năng nắm bắt và có chỉ đạo kịp thời, hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh nói chung, dịch tả lợn châu Phi nói riêng, không để phát sinh và lây lan trên diện rộng.

P.V: Theo ông, người dân cần phải thực hiện tốt những biện pháp gì để phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là dịch tả lợn châu Phi?

Ông Đinh Huy Bách: Để ngăn ngừa tốt dịch bệnh, việc phòng, chống phải được thực hiện ngay từ cơ sở, hộ chăn nuôi. Quá trình chăn nuôi người dân cần áp dụng theo phương pháp an toàn sinh học; trong đó, phải thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn lợn và vệ sinh, khử trùng tiêu độc định kỳ cho chuồng trại, môi trường chăn nuôi nhằm ngăn chặn nguồn vi-rút xâm nhập. Khi thực hiện tái nhập đàn, cần lựa chọn lợn giống sạch bệnh ở các cơ sở sản xuất có uy tín, không mua ngoài thị trường tự do… Đồng thời, thực hiện việc khai báo với chính quyền địa phương, cán bộ chăn nuôi và thú y khi có hiện tượng lợn ốm, chết bất thường; cách ly lợn mắc bệnh ra ô chuồng riêng biệt tránh lây lan ra cả chuồng… Đặc biệt, người dân cần nâng cao ý thức không vứt xác lợn chết ra môi trường tự nhiên, thực hiện tiêu hủy theo đúng quy định của phòng chống dịch.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Mạnh Hùng (thực hiện)

Nguồn: Báo Hà Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *