Kỹ thuật nuôi vịt thịt trên cạn

(Người Chăn Nuôi) – Nuôi vịt trên cạn dễ chăm sóc, hạn chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt người dân có thể chủ động khu vực nuôi sao cho thuận tiện trong quản lý.

Con giống

Người nuôi có thể lựa chọn một trong các giống vịt sau:

– Vịt CV.Super M: Có nguồn gốc từ Anh, là giống vịt chuyên thịt, lông có màu trắng, tuổi đẻ của vịt bố mẹ là 25 tuần tuổi. Vịt thương phẩm nuôi nhốt 2 tháng trọng lượng có thể đạt 3 – 3,4kg, tiêu tốn thức ăn 2,6 – 2,8 kg/kg tăng trọng.

– Giống vịt Grimaud: Có nguồn gốc từ Pháp do Tập đoàn Grimaud (Công ty Grimoud Frère) lai tạo thành, là giống vịt siêu nạc, thịt dày và thơm ngon. Đây là giống vịt có trọng lượng lớn, đạt 3,3 – 3,5 kg/con sau khoảng 42 – 45 ngày nuôi và có thể xuất bán. Ngoài ra, vịt Grimaud cũng dễ nuôi hơn các giống vịt khác, khả năng thích nghi tốt, chịu được mưa, gió, ít bệnh, ăn uống dễ, tỷ lệ hao hụt thấp, chỉ khoảng 2 – 3%.

– Vịt Bắc Kinh: Cho sản lượng thịt cao sản lớn. Giống vịt này có thể xuất bán vào 72 ngày tuổi sau khi nuôi, trọng lượng đạt 2,2 – 2,3 kg/con. 

– Vịt nông nghiệp: Là giống vịt lai có thân hình to lớn. Vịt có thể xuất bán từ lúc được 49 ngày nuôi với khối lượng đạt 2,2 – 2,3 kg/con. Giống vịt này đang được nuôi nhiều ở khu vực miền Nam nước ta.

Vịt giống phải được chọn từ những cơ sở ấp nở lớn, có uy tín, đảm bảo chất lượng. Con giống phải khỏe mạnh, mắt sáng, đi lại nhanh nhẹn, phản ứng nhạy bén. Các đặc điểm chi tiết cần đảm bảo yêu cầu: mỏ khép kín, chân bóng, cứng cáp, đi lại bình thường. Bụng thon gọn, 

rốn kín. Lông khô, vịt giống nào thì phải mang màu lông đặc trưng của giống đấy. Cân nặng đầu vào của con giống phải đạt yêu cầu tiêu chuẩn đầu vào. Loại bỏ những con yếu ớt, bệnh, dị tật, lông ướt…

Hình thức nuôi

Nuôi vịt trên vườn cây: Phương thức nuôi vịt trên cây phù hợp với những trang trại có sẵn vườn cây rộng với độ dốc vừa phải, bề mặt bằng phẳng, đất chắc để tránh trời mưa ngập úng, nước tù đọng.

Ngoài ra, cây trong vườn phải có độ cao ít nhất từ 1 – 2m để vịt không làm hỏng chồi. Đó có thể là vườn trồng keo, trồng cao su, bạch đàn… các loại cây lấy gỗ, cây ăn quả lâu năm tán rộng (nhãn, xoài, mít)…

Phía bên ngoài khu vực chăn thả phải làm rào quây bằng lưới thép B40 hoặc gỗ, tre để quản lý đàn vịt cũng như tránh tình trạng trộm cắp, thất thoát.

Cạnh vườn cây nuôi vịt nên có ao nước hoặc hồ nước sạch để cung cấp nước trong chăn nuôi cũng như tạo điều kiện để vịt có khu vui chơi. 

nuôi vịt trên cạn

Ảnh: Ngọc Trinh

Nuôi nhốt chuồng: Chọn địa điểm làm chuồng cao ráo, độ dốc vừa phải. Khu vực làm chuồng yên tĩnh, đảm bảo thuận tiện vệ sinh. Chuồng phải thoáng mát sạch sẽ, khô ráo, tránh mưa tạt, gió lùa. Hướng xây dựng chuồng tốt nhất là hướng Đông để có thể đón ánh nắng buổi sáng và tránh ánh nắng gay gắt vào buổi chiều.

Nuôi vịt thịt trên cạn có thể sử dụng kiểu chuồng nuôi trực tiếp trên nền đệm lót hoặc kiểu chuồng nuôi trên sàn, diện tích chuồng phù hợp với quy mô và đảm bảo mật độ theo từng lứa tuổi. Sàn nuôi vịt có thể lựa chọn sàn nhựa cứng, 

lưới nhựa, lưới kim loại,… cần chú ý về độ nhám mặt sàn để chống trơn trượt, với sàn lưới cần chú ý kích thước các mắt lưới, không quá nhỏ vì sẽ khó lọt phân, không quá to vì vịt có thể bị dắt chân, dắt mỏ vào mắt lưới, kích thước mắt lưới phù hợp là 1x1cm. Độ cao của sàn so với mặt nền bê tông đảm bảo lớn hơn 50cm, nền chuồng nên láng xi măng nhẵn, độ dốc 3% để đảm bảo thoát nước tốt.

Thức ăn, nước uống

Đối với vịt thịt nuôi cạn thức ăn cần đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân đối các thành phần dinh dưỡng, tốt nhất là sử dụng thức ăn viên công nghiệp đúng chủng loại theo từng giai đoạn phát triển của đàn vịt. Giai đoạn vịt con 1 – 28 ngày tuổi, protein thô chiếm khoảng 22%, năng lượng trao đổi 3.000 Kcal/kg. Giai đoạn 29 – 56 ngày, protein thô chiếm 17 – 18%, năng lượng trao đổi đảm bảo 3.100 Kcal/kg.

Cung cấp đầy đủ nước sạch, mát cho đàn vịt uống. Máng uống của vịt cần bố trí đủ số lượng và thuận tiện để vịt dễ dàng uống nước tự do.

Chăm sóc

Hàng ngày, kiểm tra lượng thức ăn dư thừa, thiếu để điều chỉnh cho hợp lý. Để lượng thức ăn thừa nhiều trong máng không có lợi do thức ăn cũ dễ nảy sinh nấm mốc, vỡ nát… khiến vịt ăn ít, dễ bị bệnh. Bảo quản thức ăn nơi khô ráo, thoáng mát. Đối với thức ăn tự chế, một số loại thức ăn cần sản xuất và ăn trong ngày, không nên để quá lâu, không sử dụng thức ăn ôi thiu, nấm mốc.

Thực hiện tốt công tác vệ sinh khử trùng chuồng trại. Đối với chuồng nuôi sàn cần xịt rửa 2 – 3 lần/ngày để loại bỏ phân trên sàn và nền chuồng, sau đó thoát nước toàn bộ nền, không nên để nước thải ngâm trên nền chuồng dễ gây ô nhiễm về mùi, làm tăng nhiệt độ và ẩm độ, khó kiểm soát mầm bệnh. Với đàn vịt nuôi trên nền cần thường xuyên thay mới chất độn chuồng, bổ sung chế phẩm sinh học để tăng phân hủy phân, quét dọn thu gom lông, rác thải trên nền chuồng, sân chơi.

Vệ sinh xung quanh khu vực nuôi, các rãnh thoát nước, thoát chất thải, hố chứa. Thường xuyên phát quan bụi rậm xung quanh chuồng nuôi. Phải chú ý tiêu diệt các loại động vật gặm nhấm, chuột, rắn rết xung quanh chuồng nuôi.

Xuất bán

Người nuôi cần chủ động tìm hiểu thị trường để lựa chọn thời điểm xuất bán phù hợp. Đồng thời có kế hoạch dừng sử dụng thuốc thú y, thuốc bổ trợ theo đúng quy định trước khi xuất bán.

Lê Loan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *