Tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến dịch tả heo châu Phi vẫn phức tạp

(Người Chăn Nuôi) – Thời gian qua, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường và công an các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, xử lý một số vụ việc vận chuyển, tiêu thụ heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi.

Ngày 5 – 6/11, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C05), Bộ Công an đã thành lập đoàn công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi làm lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm tại Đồng Nai và Bình Dương. 

vi phạm pháp luật liên quan đến dịch tả

Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Trưởng Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc với Công an tỉnh Đồng Nai. Ảnh: CAND

Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra, làm việc với công an một số địa phương nhằm nắm bắt tình hình và kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi làm lây lan dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Trung tướng Trần Minh Lệ đề nghị, các đơn vị chức năng thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thường xuyên trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng thuộc Sở NN&PTNT để nắm tình hình về dịch tả heo châu Phi; phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống dịch tả heo châu Phi.

Bên cạnh đó, các lực lượng cần chủ động nắm chắc tình hình trên tuyến, địa bàn trọng điểm; phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát việc mua bán giết mổ gia súc, gia cầm, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm mổ gia súc, gia cầm trên tuyến, địa bàn trọng điểm, nhập lậu gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch thú y nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh vào Việt Nam.

Đồng thời, có kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh xử lý quyết liệt đối với các hành vi vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch, đem sản phẩm động vật có dịch bệnh vào chế biến thực phẩm nguy cơ mất an toàn thực phẩm và làm lây lan dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Trước đó, nhằm kịp thời ngăn chặn tình hình lây lan dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm cũng như phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 58 ngày 16/6/2024 về tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Chỉ thị số 21 ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch tả heo châu phi và Kế hoạch số 170 ngày 20/4/2021 của Bộ Công an về phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi làm lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Thực hiện các công điện và chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Công an, thời gian qua, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường và công an các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, xử lý một số vụ việc vận chuyển, tiêu thụ heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi. Các lực lượng chức năng nhận định, tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến dịch tả heo châu Phi vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Minh Khuê

(Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *