Bắc Ninh: Ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2025

(Người Chăn Nuôi) – UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Kế hoạch 4301/KH-UBND nhằm chủ động ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong năm tới, qua đó góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật cần được sự chỉ đạo thống nhất và phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời huy động được cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật phải tuân theo các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, Cục Thú y và UBND tỉnh. Ngoài ra, tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật phải kịp thời, phù hợp và hiệu quả, không gây lãng phí nguồn lực.

chống dịch bệnh gia súc 2025 Bắc Ninh

Một trại nuôi heo an toàn dịch bệnh của tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: ST

Cụ thể, khi chưa xuất hiện dịch bệnh, thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên thế giới, trong nước và trong tỉnh để mọi người dân được biết và chủ động phòng, chống. Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thú y từ tỉnh đến cơ sở và lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch… 

Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng an toàn dịch bệnh. Tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi. Giám sát sau tiêm phòng, giám sát sự lưu hành vi khuẩn, virus gây bệnh tại các trang trại, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi, các chợ buôn bán gia súc, gia cầm hoặc từ những động vật ốm, chết không rõ nguyên nhân bằng hình thức lấy mẫu xét nghiệm định kỳ và đột xuất. Thường xuyên theo dõi, thống kê, kê khai đàn vật nuôi để có biện pháp quản lý, giám sát đối với từng vùng, từng khu vực.

Trường hợp xuất hiện dịch bệnh, các đơn vị cần khẩn trương, thực hiện đồng bộ các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch theo quy định hiện hành. Cụ thể: Tổ chức xử lý, tiêu hủy gia súc, gia cầm bệnh theo quy định. Khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y. Lập các chốt kiểm dịch tạm thời; kiểm soát việc lưu thông vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra – vào ổ dịch nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi trong vùng dịch; nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ (trừ trường hợp được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo quy định của Bộ NN&PTNT) hoặc vứt xác gia súc, gia cầm bệnh ra môi trường. 

Cùng đó, tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm ở vùng dịch, vùng nghi có dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Thực hiện chế độ giám sát dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi kiểm tra, phát hiện và chủ động khai báo khi có dịch để được hỗ trợ xử lý kịp thời. Kinh phí để phòng, chống dịch đối với động vật trên cạn khi chưa xuất hiện, khi xuất hiện dịch bệnh được thực hiện theo quy định, chính sách hỗ trợ hiện hành.

Đặc biệt, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở NN&PTNT chủ trì, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ở các huyện, thị xã, thành phố; phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch; các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Phát động Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trong năm theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh; phối hợp với Sở Y tế trong công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định.  

Căn cứ vào điều kiện chăn nuôi, khí hậu thời tiết, đặc điểm dịch tễ, sự lưu hành của tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật trên địa bàn tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm phòng từng loại vaccine cho phù hợp và đảm bảo hiệu quả tiêm phòng. Chỉ đạo hệ thống thú y phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm tra, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch lây lan; Thực hiện giám sát dịch bệnh động vật đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi.

Thực hiện việc kiểm dịch tại gốc; tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm. Kiên quyết xử lý đối với gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Đồng thời cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vaccine, hóa chất và vật tư thú y thuộc đối tượng được hỗ trợ của chính sách để phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; hướng dẫn kiểm tra việc tuân thủ quy trình, kỹ thuật trong quá trình thực hiện phòng, chống dịch. Phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Công an tỉnh kiểm soát chặt chẽ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập vào, xuất ra khỏi tỉnh; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tham mưu tổng hợp báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *