Chăn nuôi gà thảo dược cho hiệu quả kinh tế cao

Xuất phát từ nhu cầu của thị trường về thực phẩm sạch ngày càng cao, người dân xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã phát triển mô hình chăn nuôi gà bằng thảo dược an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cao và có đầu ra ổn định.

Ông Lê Đại Dương (61 tuổi) ở thôn Thanh Sơn, xã Hợp Hòa đã sử dụng diện tích đất vườn để đầu tư chăn nuôi gà thả vườn, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, do chăn nuôi với số lượng ít và theo cách truyền thống nên hiệu quả không cao. Ông Dương khao khát tìm một hướng phát triển mới bền vững bằng việc cung cấp ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp sạch, tốt cho sức khoẻ. Ông đã tích cực học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, cũng như tìm hiểu nhu cầu của thị trường về sử dụng sản phẩm sạch, an toàn, tìm hiểu ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, từ đầu tư đệm lót sinh học, đến chọn giống gà.  Thế nhưng, việc chăn nuôi gà vẫn đối diện với nhiều rủi ro.

nuôi gà thảo dược

Chăn nuôi gà thảo dược mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình ông Dương 

Cuối năm 2022, ông Dương là người tiên phong tham gia mô hình nuôi gà thảo dược ở xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương. Mô hình được tổ chức Good Neighbors International (GNI) triển khai thí điểm tại xã, khi tham gia mô hình ông được hỗ trợ 200 con gà giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Đây là mô hình hoàn toàn mới, từ con giống đến kỹ thuật chăm sóc, nuôi thả đều khác biệt so với cách chăn nuôi truyền thống, mỗi độ tuổi của gà đều có cách chăm sóc riêng. Việc phối trộn dược liệu trong thức ăn với tỷ lệ phù hợp nhất để cho gà phát triển đều, không bệnh tật, tỷ lệ hao hụt ít, gà mau lớn và đặc biệt chất lượng thịt thơm ngon hơn gà nuôi bằng phương pháp thông thường khác. Gà dưới 1,5 tháng tuổi sẽ ăn cám công nghiệp, khi gà hơn 1,5 tháng tuổi sẽ chuyển dần từ cám công nghiệp sang thức ăn tự phối trộn và lúa. Thức ăn tự phối trộn là bột ngô, cám gạo, sắn, men tỏi, men giun quế.  Ngoài ra, ông Dương còn luộc lúa với nước lá cây thảo dược như: cỏ lào, khôi tía, khôi trắng, tía tô, khổ sâm, xuyến chi, xả, đinh lăng, bỏng… được ông trồng trong vườn nhà để chế biến cho gà ăn.

Ông Dương cho biết: Công việc của ông từ sáng đến chiều tối là quẩn quanh với đàn gà. Để tìm ra cách ủ thức ăn ngon nhất, nhanh nhất, ông Dương phải trải qua nhiều lần thử nghiệm. Ban đầu ông cho nguyên liệu vào trộn sơ qua, rồi mới trộn nước men, tiếp đó phải ủ thức ăn. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết mà thời gian ủ khác nhau, ông thường xuyên phải kiểm tra thùng ủ để bảo đảm thức ăn lên men đúng yêu cầu, khi hỗn hợp có mùi thơm nhẹ là có thể dùng được.

Để bổ sung hàm lượng protein cho gà, ông Dương còn mua cá, tự ủ men phối trộn vào thức ăn cho đàn gà. Được cho ăn bằng thức ăn tự nhiên có các loại thảo dược, cho nên chỉ phải tiêm cho gà một số vắc-xin phòng dịch. Ngoài ra ông còn sử dụng nước lá dược liệu và nước men tỏi cho gà uống hàng ngày, nên đàn gà của ông luôn khỏe mạnh, không cần phải dùng thuốc kháng sinh.

Trong khu vườn rộng trên 0,7 ha, ông Dương thiết kế thành nhiều khu vực khác nhau, gồm khu chuồng nuôi 120 m2, khu chế biến thức ăn, các loại gà khác nhau đều được nuôi trong những khu vực riêng. Gà nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên cho nên thịt gà thơm ngon, rắn chắc. Ông trồng các loại cây dược liệu và xen các cây xưa, mít, ổi, na trong vườn để làm bóng mát và luôn chủ động nguồn thảo dược phục vụ cho chăn nuôi.

Trang trại nuôi gà của ông Dương hầu như không thấy mùi hôi bởi được thiết kế theo quy trình xử lý sinh học. Ông sử dụng kỹ thuật đệm lót sinh học, nguồn phân gà vi sinh ông để bón cho cây trong vườn.

Ông Dương chia sẻ: “Những ngày đầu mới nuôi tôi lo lắng lắm vì chưa thấy mô hình này bao giờ nhưng sau khi nuôi thấy gà ăn tốt, đẹp mã, phát triển khỏe mạnh, không còn mắc bệnh hô hấp, thịt chắc, thơm ngon, tôi mạnh dạn mở rộng quy mô lên hơn 800 con/lứa. Đàn gà sau 5 tháng nuôi xuất chuồng mỗi năm ông nuôi 2 lứa gối nhau, cứ tuần hoàn đều đặn như vậy nên quanh năm trang trại đều có gà cung cấp ra thị trường. Gà nuôi đến đâu xuất bán hết đến đấy, khách rất thích vì thịt gà chắc, giá trị dinh dưỡng cao”. Với cách nuôi này, mỗi năm ông Dương nuôi hơn 1.600 con gà, với giá bán hiện nay từ 145.000 – 160.000 đồng/kg gà thịt sẵn, cao hơn từ 25.000 – 40.000 đồng/kg so với nuôi thông thường, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư từ nuôi gà mỗi năm ông thu lãi từ  90 – 100 triệu đồng/năm.

Để nâng cao giá trị cho gà thảo dược, ông Dương đã thành lập nhóm liên kết chăn nuôi gà đồi Thanh Sơn với 7 thành viên tham gia và ông được bầu làm nhóm trưởng. Mỗi năm nhóm liên kết cung cấp ra thị trường từ 15 – 17 tấn gà thịt, đem lại thu nhập cho mỗi thành viên trung bình từ 80 – 100 triệu đồng/năm. Với quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, sản phẩm gà Thanh Sơn trước khi cung cấp ra thị trường được bảo đảm về chất lượng. Hiện số gà của nhóm liên kết đều được cửa hàng thực phẩm sạch Tâm Đạt tại Hà Nội đặt hàng, bao tiêu sản phẩm, đầu ra rất ổn định.

Ông Triệu Văn Bình thành viên nhóm liên kết chăn nuôi gà đồi Thanh Sơn cho biết: Trước đây, gia đình nuôi gà nhưng số lượng ít và theo cách truyền thống nên hiệu quả không cao. Từ khi tham gia mô hình chăn nuôi gà thảo dược, được hỗ trợ giống tốt, xây dựng chuồng trại thoáng mát và được hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi, tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm nên đàn gà sinh trưởng nhanh. Hiện tất cả các thành viên trong nhóm đều tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình, có sổ ghi chép nhật ký như: Ngày nhập gà, bán gà, ngày tiêm phòng vắc-xin, sử dụng chế phẩm được chiết xuất từ thảo dược…

Mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn sẽ tận dụng chất thải phân gà, ủ phân để bón cho cho cây ăn quả và một số cây trong vườn nhà để chế biến thảo dược làm thức ăn cho gà. Do mô hình khép kín, việc vệ sinh chuồng trại tốt, nguồn thức ăn đầu vào đảm bảo nên ít xuất hiện dịch bệnh trên đàn gà.

Ông Triệu Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa cho biết: Những năm qua phong trào phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học được người dân xã Hợp Hòa chú trọng, đặc biệt nhất là việc chăn nuôi gà thảo dược không chỉ giúp đàn vật nuôi khỏe mạnh, cho chất lượng thịt thơm ngon mà còn có đầu ra rất ổn định. Ông Dương là người năng động, luôn chủ động tìm tòi, học hỏi để có hướng đi đúng trong phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, ông luôn tích cực giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân cùng nhau phát triển kinh tế và là tấm gương nông dân tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của xã Hợp Hòa. Trong thời gian tới xã sẽ tạo điều kiện để người dân tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi gà thảo dược theo hướng an toàn sinh học, để người dân có thêm kiến thức kinh nghiệm trong chăn nuôi tại hộ gia đình, mở ra một triển vọng mới trong chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho người dân địa phương./.

Nguyễn Thị Long – Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *