Hội nghị “Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Nguyên” đã mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến nông sản, chăn nuôi.
Sáng 30/10, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Nguyên. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến đầu cầu của Bộ do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, cùng dự có lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Các đại biểu dự Hội nghị tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ảnh: H.N
Theo báo cáo, khu vực Tây Nguyên có trên 5 triệu ha đất nông nghiệp (chiếm 91,75% diện tích tự nhiên), khí hậu thuận lợi thích hợp cho trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp và cây ăn quả. Bên cạnh đó, khu vực này có trên 4 triệu con gia súc, 30 triệu con gia cầm. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp của vùng đã đạt mức tăng trưởng khoảng 5%/năm; xuất khẩu nông sản năm 2023 trên 3,6 tỷ USD, tăng 28,91% so với năm 2022.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày những tiềm năng, thế mạnh, định hướng phát triển nông nghiệp, chia sẻ những kinh nghiệm thành công và thảo luận về các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Là doanh nghiệp đang đầu tư nhiều dự án chăn nuôi công nghệ cao tại Tây Nguyên, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho rằng, Tây Nguyên có vị trí địa lý thuận lợi, diện tích đất rộng lớn, khí hậu ôn hòa và đa dạng sinh học. Đây là vùng đất đầy triển vọng cho ngành nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là ngành chăn nuôi.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn Vũ Mạnh Hùng cho rằng, các tỉnh Tây Nguyên cần có quy hoạch cụ thể về vùng nguyên liệu, vùng chăn nuôi. Ảnh: Ảnh: H.N
“Tại Lâm Đồng, chúng tôi có 3 dự án chăn nuôi gà với tổng diện tích 30 ha, tổng vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng, hiện đang phát triển ổn định. Tại Đắk Lắk, dự án Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao DHN với diện tích 200 ha, tổng vốn đầu tư 66 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng) cũng đã đi vào hoạt động từ năm 2021. Riêng tại Gia Lai, dự án DHN với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng đã đạt 60% tiến độ thi công và sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào tháng 12 năm nay”, ông Hùng chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, để các dự án phát triển thuận lợi, bền vững, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như các chính sách thu hút đầu tư phù hợp. “Các địa phương cần có quy hoạch rõ ràng và nhất quán cho các vùng nguyên liệu, vùng chăn nuôi. Trong đó, quy hoạch cần bám sát tiềm năng và có sự đồng bộ giữa các địa phương, giúp nhà đầu tư nhìn thấy được hướng phát triển dài hạn, đồng thời cần đảm bảo việc sử dụng tài nguyên một cách hợp lý”, ông Hùng đề xuất.
Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 10 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó nhiều nhất là ngô, do nguồn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu cho chế biến thức ăn chăn nuôi. Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu phần đã nào ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Đồng hành với bà con nông dân, De Heus đang phối hợp cùng Bộ NN&PTNT giải quyết thực trạng này thông qua dự án phát triển vùng nguyên liệu trồng ngô tại khu vực Tây Nguyên. Mục tiêu của dự án là áp dụng giống mới, khoa học kỹ thuật nhằm giúp bà con cải thiện năng suất ngô, giảm chi phí sản xuất cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng để cạnh tranh với nguồn ngô nhập khẩu.
Chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cam kết sẽ đồng hành cùng với các tỉnh Tây Nguyên và các doanh nghiệp triển khai xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin và hỗ trợ chính sách cần thiết để thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn bền vững.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Linh Linh
Bộ trưởng cho rằng chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần có tư duy rộng mở, không giới hạn đối với nông nghiệp Tây Nguyên. “Với tư duy đổi mới, sự mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp hàng đầu, Tây Nguyên có thể chuyển mình từ một nơi vốn tập trung trồng cây công nghiệp ngắn ngày như cao su và cà phê để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở thêm.
Thùy Khánh
(Tổng hợp)