(Người Chăn Nuôi) – Tình trạng heo bán chạy dịch xuất hiện trên cả 3 miền, trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm, áp lực tồn kho heo biểu to (heo cỡ to) tăng đã kéo giá bán heo hơi đồng loạt giảm.
Cụ thể, tại miền Bắc, tồn kho heo biểu to tại các công ty tăng khiến mặt bằng giá heo liên tiếp có xu hướng giảm trong tuần qua (từ 11 – 17/10/2024). Theo đó, tính tới ngày cận cuối tuần, dù mức giá cao nhất vẫn neo ở quanh 67.000 đồng/kg nhưng thị trường chủ yếu giao dịch quanh 64.000 – 65.000 đồng/kg, trong khi đó, mức giá 63.000 đồng/kg cũng có phổ biến với heo biểu to, thậm chí dưới 60.000 đồng/kg với heo chạy dịch biểu dưới 80 kg/con.
Một số thương lái cho biết, thực tế giao dịch heo tại các công ty rất chậm do thị trường giai đoạn này chủ yếu tiêu thụ heo gột bán ra với giá thấp hơn, nên hầu hết các công ty đều có biểu heo to trên 120 kg/con.
Giá heo hơi trên cả ba miền trong tuần qua có xu hướng giảm, chủ yếu giao dịch quanh mức 64.000 – 65.000 đồng/kg. Ảnh: Thùy Khánh
Tương tự với thị trường miền Trung và miền Nam, giá heo cũng có điều chỉnh giảm trong đầu tuần qua, đưa mặt bằng về quanh 62.000 – 64.000 đồng/kg tại Bắc Trung Bộ, 61.000 – 64.000 đồng/kg tại Nam Trung Bộ và miền Nam. Riêng với khu vực Nam Trung Bộ, giá heo tại một số công ty tiếp tục giảm thêm ở ngày cận cuối tuần về quanh 59.000 – 61.000 đồng/kg, kéo giãn quãng chênh lệch so với miền Bắc lên 4.000 – 5.000 đồng/kg.
Mặc dù vậy, lưu chuyển heo từ Nam Trung Bộ ra miền Bắc vẫn chậm do thương lái có xu hướng ưu tiên đối với heo từ Bắc Trung Bộ sau khi giá heo khu vực này điều chỉnh giảm tương ứng với thị trường miền Bắc, cộng thêm heo từ khu vực Nam Trung Bộ vẫn khá nhạy cảm khi đưa vào nuôi gột nên thương lái cũng rất thận trọng vì sợ thua lỗ.
Theo dữ liệu Hải quan, trong nửa đầu tháng 10/2024, kênh nhập khẩu heo giống của Việt Nam ghi nhận tổng cộng 9 đơn hàng heo đực giống thuộc thế hệ cụ/kỵ từ Hà Lan với tổng số trên 80 con về khu vực miền Nam. Tổng lượng thịt và phụ phẩm thịt heo đã nhập từ đầu năm tới ngày 15/10 đạt gần 183.900 tấn, tăng nhẹ 1% so với lũy kế cùng kỳ năm 2023.
Tổng lượng heo sống Việt Nam xuất khẩu kể từ đầu năm tới ngày 15/10 đạt gần 1.700 con, thu về khoảng 662.000 USD, giảm 78% so với lũy kế cùng kỳ năm 2023. Tính chung từ đầu năm tới ngày 15/10, tổng kim ngạch xuất khẩu thịt heo của Việt Nam ước đạt gần 44,9 triệu USD, giảm 7% so với lũy kế cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, giá heo tại miền Nam Trung Quốc vẫn dao động ở vùng tương đương, thậm chí thấp hơn so với giá heo miền Bắc của Việt Nam nên dòng lưu chuyển heo giữa hai nước không xuất hiện. Tại các cửa khẩu biên giới Đông và Tây Nam Bộ, heo Campuchia vẫn chưa được đưa về do giá heo Việt Nam hạ khiến nhu cầu mua yếu.
Nhìn chung, thời điểm này, giá heo hơi vẫn kéo dài đà giảm trên toàn quốc. Giá heo hơi trong nước giảm mạnh trong khi nguồn heo nhập khẩu chính ngạch và nhập lậu đang về khá nhiều. Dịch bệnh xảy ra tại nhiều địa phương khiến lượng heo bán chạy dịch gia tăng. Hiện sức mua trên thị trường vẫn khá ảm đạm, chưa có các yếu tố đột biến để thúc đẩy tiêu thụ tăng lên.
Theo nhận định của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, việc tái đàn đang gặp nhiều khó khăn do hàng ngàn hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh buộc phải di dời, yêu cầu về giảm phát thải trong chăn nuôi cũng được nâng lên rất cao khiến chăn nuôi quy mô nông hộ khó đáp ứng được. Mặc dù hiện nay giá bán heo hơi vẫn mang lại lợi nhuận khá nhưng tình trạng khan hiếm con giống, giá bị đẩy lên cao cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ chăn nuôi e ngại tái đàn.
Nam Linh