Hà Giang: Khống chế thành công bệnh Tả lợn châu Phi

Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương, hiện nay, bệnh Tả lợn châu Phi (TLCP) trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế. Trong tổng số 24 xã xuất hiện lợn mắc bệnh ghi nhận trong thời gian vừa qua, đến nay có 21 xã công bố hết bệnh; 3 xã còn lại đã qua 14 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh.

Năm 2024, bệnh TLCP xuất hiện lần đầu tiên tại xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) vào cuối tháng 6. Sau hơn 3 tháng, bệnh TLCP tiếp tục được ghi nhận tại 5 huyện gồm: Xín Mần, Quản Bạ, Bắc Mê, Yên Minh và Đồng Văn. Lũy kế đến 16.10, bệnh TLCP xuất hiện tại 93 thôn/24 xã/6 huyện. Số lợn tiêu hủy bắt buộc hơn 2.600 con với tổng trọng lượng trên 106 tấn.

dịch tả lợn châu Phi

Hợp tác xã Tuấn Dũng (Mèo Vạc) chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc.

Theo ngành chuyên môn, nguyên nhân xảy ra bệnh TLCP trên địa bàn tỉnh do công tác tuyên truyền tại một số địa phương chưa thực sự sâu rộng, thường xuyên, người dân còn giấu không khai báo lợn mắc bệnh với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn; công tác xử lý tiêu hủy lợn bắt buộc chưa triệt để; việc nhập lợn từ các chương trình, dự án làm lây lan bệnh. Ngoài ra, vi rút bệnh TLCP rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền phức tạp; việc chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao, không đảm bảo yêu cầu an toàn sinh học; việc kiểm soát, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn, kiểm soát giết mổ ở một số địa phương chưa chặt chẽ.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trịnh Văn Bình cho biết: Ngay sau khi xảy ra bệnh TLCP, đơn vị khẩn trương, tăng cường triển khai, thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh. Theo đó, Chi cục đã chủ động giám sát chặt chẽ tình hình bệnh TLCP, đảm bảo phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ bệnh, không để bệnh lây lan trên diện rộng. Đồng thời phối hợp cung ứng kịp thời các loại thuốc, vắc xin, hóa chất cần thiết cho công tác phòng, chống bệnh TLCP. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn.

Từ tháng 6 đến nay, Chi cục đã phối hợp, hướng dẫn các địa phương sử dụng hơn 2.300 lít hóa chất và gần 33 tấn vôi bột để xử lý tiêu hủy, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại hộ có bệnh TLCP và các hộ xung quanh; tiêm vắc xin phòng bệnh TLCP cho hơn 7.100 con lợn tại các huyện Quản Bạ, Bắc Mê, Xín Mần. Đặc biệt, qua công tác kiểm tra, kiểm soát, ngành chuyên môn của huyện Quản Bạ đã phát hiện, xử lý 1 vụ vận chuyển lợn trong vùng bệnh TLCP không có giấy tờ với số lượng 12 con, trọng lượng 1 tấn; hình thức xử lý tiêu hủy toàn bộ số lợn và xử phạt người vi phạm 4,5 triệu đồng.

Quản Bạ là huyện ghi nhận số lượng lợn mắc bệnh TLCP lớn nhất trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua, tổng số lợn chết và tiêu hủy bắt buộc lên đến 1.500 con/62 thôn/13 xã; tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 63,6 tấn. Để khống chế, ngăn chặn bệnh TLCP, huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến các hộ chăn nuôi bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh TLCP, nguy cơ bệnh lây lan và các biện pháp phòng, chống bệnh; hướng dẫn người dân áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy lợn, buôn bán, vận chuyển lợn bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường làm lây lan bệnh, ô nhiễm môi trường. Đến nay, 11/13 xã có lợn mắc bệnh TLCP trên địa bàn huyện đã công bố hết bệnh theo quy định; 2 xã còn lại đang được cán bộ chuyên môn theo dõi, thẩm định để thực hiện công bố hết bệnh.

Hiện nay, mặc dù bệnh TLCP trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ bệnh tái phát vẫn còn rất cao. Do vậy, để ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả bệnh TLCP, ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời; quản lý chặt việc giết mổ, vận chuyển gia súc; huy động các nguồn lực, nhân lực để xử lý triệt để các ổ bệnh; xử lý nghiêm các trường vi phạm theo quy định. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường; chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.

Bài, ảnh: Trần Kế

Nguồn: Báo Hà Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *