Lào Cai: Khôi phục chăn nuôi sau mưa lũ

Trận mưa lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề đối với ngành chăn nuôi của tỉnh, phải mất nhiều thời gian để khôi phục lại.

khôi phục chăn nuôi

Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.524 con gia súc (237 con trâu, bò, ngựa; 1.287 con lợn, dê) và 64.313 con gia cầm bị chết. Các huyện có số lượng gia súc bị thiệt hại lớn gồm: Bảo Yên (671 con gia súc và 41.843 con gia cầm), Bảo Thắng (30 con gia súc và 10.154 con gia cầm), Bắc Hà (220 con gia súc và 4.306 con gia cầm), Bát Xát (295 con gia súc và 3.352 con gia cầm), thành phố Lào Cai (67 con gia súc và 2.380 con gia cầm). Ngoài ra, toàn tỉnh có 1.057 chuồng trại bị sập đổ, hư hỏng, trong đó: Bảo Thắng 355 chuồng, Bắc Hà 278 chuồng, Bát Xát 203 chuồng, thị xã Sa Pa 112 chuồng, Si Ma Cai 97 chuồng, Văn Bàn 6 chuồng, Mường Khương 6 chuồng… gây thiệt hại hơn 24 tỷ đồng.

khôi phục chăn nuôi

Ngay sau khi mưa lũ qua đi, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khôi phục hoạt động chăn nuôi, như tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; vệ sinh khu vực chăn nuôi, thu gom, tiêu hủy vật nuôi, thủy sản chết do mưa, lũ, xử lý chất thải… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp phát 9.125.000 lít hóa chất cho các huyện, thị xã, thành phố, đồng thời tiếp nhận, cấp phát 1.905 lít hóa chất khử, trùng tiêu độc và 700 kg chế phẩm sinh học từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các công ty, doanh nghiệp ủng hộ để xử lý môi trường chăn nuôi ngay sau mưa lũ.

Cùng với đó, tổ chức tiêm phòng vắc-xin kỳ II năm 2024 cho gia súc, gia cầm, đặc biệt đối với đàn gia súc, gia cầm tại nơi đã từng xảy ra dịch bệnh, nơi có nguy cơ cao, nơi bị ảnh hưởng của lũ lụt. Hướng dẫn người dân lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định; chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận, cấp phát 500 kg thuốc bổ trợ Five – B.Complex từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Quỹ Thiện Tâm để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi sau mưa lũ.

khôi phục chăn nuôi

Đặc biệt, ngành nông nghiệp tỉnh đã rà soát, xây dựng phương án khôi phục thiệt hại, phục hồi sản xuất nông nghiệp trình UBND tỉnh xem xét ban hành, trong đó đề xuất hỗ trợ kinh phí cho chủ các cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại trực tiếp do hoàn lưu bão số 3 mua con giống để tái đàn (đối với các hộ đã sửa chữa, làm mới chuồng trại). Trường hợp gia đình, cá nhân không có nhu cầu mua gia súc giống để tái đàn, được sử dụng kinh phí hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất. Mức đề xuất hỗ trợ: đối với trâu, bò, ngựa 6 triệu đồng/con; đối với lợn, dê, cừu 1 triệu đồng/con; gia cầm đến 28 ngày tuổi 15.000 đồng/con, gia cầm trên 28 ngày tuổi 35.000 đồng/con.

Tuy nhiên, trong quá trình khôi phục chăn nuôi sau mưa lũ sẽ có nhiều khó khăn đặt ra. Đó là, địa bàn rộng, chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, trong khi giao thông chia cắt, nhiều nơi khó khăn tiếp cận để hướng dẫn hỗ trợ người dân. Nhiều địa phương thiệt hại lớn về người, nhà ở, đất ở dẫn đến tâm lý người dân hoang mang, mất phương hướng nên chưa thể khôi phục ngay chăn nuôi. Sau mưa lũ, nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất lớn. Nguồn cung cấp con giống, thức ăn cho việc khôi phục sản xuất khó khăn, có nguy cơ thiếu giống, thiếu thức ăn phục vụ tái đàn…

Thời gian đến tết Nguyên đán 2025 không còn nhiều, do vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất là khẩn trương khôi phục chăn nuôi, đẩy mạnh tái đàn để đảm bảo sản phẩm chăn nuôi phục vụ thị trường. Nhu cầu tiêu thụ thịt toàn tỉnh từ 4.200 – 4.500 tấn/tháng, vào dịp tết Nguyên đán, nhu cầu tăng thêm 15% – 20%. Sản lượng thịt sản xuất trung bình hằng tháng của các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh khoảng 6.400 tấn. Đợt mưa lũ vừa qua khiến sản lượng thiệt hại khoảng 280 tấn thịt hơi/4 tháng, như vậy mỗi tháng giảm khoảng 70 tấn, do đó không ảnh hưởng đến việc cung cấp thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán.

“Tuy nhiên, để đảm bảo sản phẩm chăn nuôi cung cấp cho thị trường trong dịp tết Nguyên đán 2025 và mục tiêu tăng trưởng năm 2024 thì yêu cầu tổ chức sản xuất chăn nuôi, tái đàn sau mưa lũ được ngành nông nghiệp xác định là nhiệm vụ cấp thiết”, ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Theo đó, ngành nông nghiệp và các địa phương khẩn trương đánh giá nhu cầu con giống, thức ăn chăn nuôi phục vụ tái đàn, xây dựng phương án, giải pháp đảm bảo nguồn cung thức ăn chăn nuôi và con giống tốt, an toàn dịch bệnh.

Cụ thể, đối với các cơ sở chăn nuôi lợn và gia cầm nhỏ lẻ sẽ sử dụng giống bản địa. Đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, các doanh nghiệp sẽ hướng dẫn, hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất con giống tại chỗ, đồng thời hỗ trợ cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất giống trong nước. Đặc biệt, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và lớn sử dụng con giống năng suất cao, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến cho tái sản xuất (nhất là lợn và gia cầm).

khôi phục chăn nuôi sau lũ

Phối hợp với các địa phương đánh giá cụ thể tình hình, mức độ thiệt hại, những khó khăn, vướng mắc, bất cập của cơ chế, chính sách hiện hành, kịp thời tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ khắc phục thiệt hại, đồng thời kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tế tại địa phương; đề xuất, kiến nghị các tổ chức tín dụng xem xét khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do mưa lũ, nhằm tháo gỡ một phần khó khăn trước mắt để khôi phục, tái sản xuất…

Vũ Thanh Nam

Nguồn: Báo Lào Cai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *