Kiến nghị thuế VAT bằng 0% với sản phẩm chăn nuôi sơ chế

(Người Chăn Nuôi) – Mới đây, Hội Chăn nuôi Việt Nam đã có văn bản trình Quốc hội và Ủy ban Tài chính Ngân sách; Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường về một số bất cập và đề xuất sửa đổi về thuế giá trị gia tăng (VAT), nhằm kiểm soát hoạt động giết mổ và hỗ trợ phát triển chăn nuôi trong nước. 

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, công tác giết mổ và chế biến tập trung công nghiệp các sản phẩm chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Mức độ phát triển của công nghiệp giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng là thước đo về trình độ khoa học công nghệ và tính chất công nghiệp hóa không chỉ đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp mà rộng hơn là của mỗi quốc gia. 

hội chăn nuôi kiến nghị giết mổ

Tỷ lệ giết mổ công nghiệp trên gia súc, gia cầm của Việt Nam hiện vẫn còn rất thấp. Ảnh: ST

Trong khi đó, nghị quyết của Trung ương và các Bộ, ngành đều chỉ rõ, mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Mục tiêu này đã được Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ngày 06/10/2020. Trong Chiến lược yêu cầu: Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng 60% và 40% vào năm 2025, đạt 70% và 50% vào năm 2030; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến công nghiệp/tổng sản lượng thịt, đạt 25-30% vào năm 2025 và 40-50% vào năm 2030. 

Tuy nhiên, dựa trên thực tế sản xuất hiện nay, theo báo cáo của các cơ quan chức năng và khảo sát thực tế, tỷ lệ giết mổ tập trung, nhất là giết mổ công nghiệp đối với gia súc, gia cầm của chúng ta còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 15 – 25% giết mổ tập trung, trong số này chỉ có khoảng 5 – 7% là giết mổ công nghiệp.

Như vậy, so với yêu cầu mục tiêu chung của quá trình công nghiệp hóa đất nước và mục tiêu cụ thể của ngành, hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi không thể đạt được nếu chúng ta không có những chính sách phù hợp và biện pháp chỉ đạo quyết liệt. 

Ngoài những vấn đề có liên quan đến công tác quản lý chuyên ngành của Bộ NN&PTNT, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, sự bất hợp lý trong quy định về thuế VAT đối với sản phẩm chăn nuôi sơ chế đang gây khó khăn rất lớn cho các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp. Do đó, Hội Chăn nuôi Việt Nam đề xuất 2 phương án như sau: 

Phương án 1: Bỏ quy định tính thuế VAT 5% đối với các sản phẩm chăn nuôi sơ chế, vừa đúng với bản chất của thuế VAT (vì sản phẩm sơ chế, chưa có hoạt động gì làm gia tăng thêm giá trị) vừa tạo công bằng và thuận lợi cho các đối tượng tham gia sản xuất, kinh doanh.

Phương án 2: Để mức VAT bằng 0% đối với các sản phẩm chăn nuôi sơ chế sẽ tạo động lực lớn khuyến khích phát triển hoạt động giết mổ tập trung, công nghiệp gia súc, gia cầm, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững. 

Được biết, nhiều năm nay, Nhà nước khuyến khích phát triển loại hình giết mổ tập trung, công nghiệp và giết mổ có kiểm soát, tuy nhiên vẫn chưa có chính sách hỗ trợ nào phù hợp nên tình trạng giết mổ thủ công, nhỏ lẻ vẫn phổ biến. Chính việc để thuế VAT bằng 0% của sản phẩm chăn nuôi sơ chế sẽ là điều kiện bắt buộc và hấp dẫn cho người dân, doanh nghiệp đầu tư vào loại hình giết mổ tập trung, công nghiệp hoặc giết mổ thủ công có đăng ký, kiểm soát đảm bảo đủ điều kiện sản xuất kinh doanh để được hưởng khấu trừ đầu vào của hoạt động kinh doanh giết mổ vật nuôi áp dụng có VAT bằng 0%. 

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, làm được như vậy, không lâu nữa, Việt Nam sẽ kiểm soát được những vấn nạn của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, như nhiều nước phát triển và đang phát triển đã làm. Điển hình là Trung Quốc, trước đây cũng tình trạng giết mổ tràn lan, nhưng hiện nay mọi hoạt động giết mổ động vật tại Trung Quốc nếu không có đăng ký đều được coi là phạm pháp.

Hội Chăn nuôi Việt Nam nêu rõ, theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2016 thì thuế VAT của sản phẩm chăn nuôi sơ chế, như thịt tươi sống sau giết mổ, pha lóc (thịt nóng) hoặc làm mát, cấp đông,… chỉ được miễn VAT 5% khi các doanh nghiệp làm ra bán cho doanh nghiệp hoặc bán cho các hợp tác xã. Còn nếu sản phẩm bán cho người tiêu dùng hoặc hộ kinh doanh cá thể (bếp ăn, chế biến giò, chả… là đối tượng tiêu thụ chủ yếu các sản phẩm chăn nuôi hiện nay) thì lại phải chịu thuế VAT 5%. 

Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm giết mổ công nghiệp của các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm cùng loại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, vừa có giá thành rẻ lại không mất 5% thuế VAT. Cụ thể, giết mổ thủ công giá thành rẻ do bỏ bớt nhiều chi phí đảm bảo chất lượng, an toàn thực, phẩm. Ví dụ, chưa tính nhiều chi phí khác như điện làm mát, cấp đông, trang thiết bị, kho tàng, kiểm dịch… 

Một vấn đề bất cập khác, theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, trong quy định về thuế VAT 5% với sản phẩm chăn nuôi sơ chế hiện nay là không áp dụng với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu – nhóm mặt hàng đang cạnh tranh rất lớn với các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Bằng chứng là, sản lượng các loại thịt đông lạnh nhập khẩu vào Việt Nam đang tăng lên rất nhanh, bình quân từ 15 – 20%/năm, trong khi thịt các loại sản xuất trong nước chỉ tăng từ 2 – 3%/năm. 

 Hội Chăn nuôi Việt Nam bày tỏ lo ngại, nếu cứ đà tăng này thì sau năm 2027, khi các dòng thuế suất thịt heo, thịt gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam trở về mức 0% theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do, lúc này, sản phẩm thịt nhập khẩu các loại sẽ lấn át hoàn toàn sản phẩm trong nước.

Đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định, đây là sắc thuế tuy không lớn, nhưng đang có tác động rất đáng kể đến ngành và người chăn nuôi trong nước, nhất là lĩnh vực giết mổ vật nuôi, vấn đề luôn gây bức xúc đối với xã hội và an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm hiện nay. Chính vì vậy, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi, nhằm khuyến khích thúc đẩy ngành công nghiệp giết mổ, chế biến trong nước, phát triển chăn nuôi bền vững.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *