Vừa qua, trên địa bàn xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Ngay khi nhận được tin báo, các đơn vị, địa phương huyện Nậm Pồ đã khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, tránh lây lan ra diện rộng.
Ổ dịch xảy ra trên đàn lợn của gia đình bà Chảo Xuân Mẩy, bản Sín Chải, xã Nà Hỳ. Theo bà Mẩy, khi phát hiện đàn lợn của gia đình xuất hiện các triệu chứng: Sốt, bỏ ăn, cơ thể tím tái… nên đã báo cáo chính quyền địa phương.
Nhận tin báo, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) huyện Nậm Pồ xuống lấy mẫu ngay trong ngày và gửi đi xét nghiệm. Đến ngày 18/9 kết quả cho thấy, các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với bệnh tả châu Phi. Nhìn chuồng lợn trống trơn, khuôn mặt bà Chảo Xuân Mẩy nặng trĩu. 16 con lợn trị giá hàng chục triệu đồng của gia đình buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh. Bà Mẩy chia sẻ: Là tài sản lớn, nhưng khi đàn lợn bị mắc bệnh dịch, dù xót xa, nhưng gia đình tôi cũng đồng tình với chính quyền là phải tiêu hủy để dịch bệnh không lây lan ra diện rộng. Nhà tôi cũng chủ động khử khuẩn chuồng trại, xung quanh khu vực chăn nuôi, ngăn cấm người lạ đến gần đàn lợn”.
Ông Nguyễn Phú Thiết, Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ chia sẻ: Ngay khi phát hiện ổ dịch bệnh tả châu Phi tại bản Sín Chải, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi; tổ chức tiêu huỷ lợn mắc bệnh, chết. Thực hiện phun hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, xã cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc chăn nuôi, vận chuyển và giết mổ lợn, các sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn. Ngoài ra, chính quyền xã cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của huyện theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, gửi các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời khi lợn có biểu hiện ốm, chết để có kết luận chính xác và thực hiện các biện pháp xử lý theo đúng quy định.
Theo thống kê, đến ngày 25/9/2024, trên địa bàn xã Nà Hỳ ghi nhận 22 con lợn, tổng trọng lượng 571 kg bị mắc dịch tả lợn châu Phi đã tiêu huỷ. Ông Phạm Trần Trường, Phó Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Nậm Pồ cho biết: Ngay khi có kết quả mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh tả lợn châu Phi, Trung tâm đã tiến hành giám sát, khoanh vùng, áp dụng các biện pháp chống dịch, không để lây lan ra địa bàn. Cùng với tiêu hủy ngay lợn bị mắc dịch và lợn nuôi cùng ô chuồng với lợn bị dịch, Trung tâm đã cấp phát hóa chất, vôi bột cho các hộ chăn nuôi tại những khu vực có lợn bị dịch để phun khử trùng, tiêu độc kịp thời.
Tiêu huỷ lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi tại bản Sín Chải, xã Nà Hỳ đảm bảo an toàn, không làm lây lan dịch bệnh.
Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Để khống chế bệnh tả châu Phi lây lan trên diện rộng, huyện đã xây dựng phương án cụ thể tổ chức chống dịch. Thực hiện khoanh vùng ổ dịch; lập các chốt kiểm soát; khử trùng tiêu độc vùng dịch, vùng bị uy hiếp, vùng đệm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và bố trí kinh phí mua vật tư chống dịch (hóa chất, vôi bột, bạt, nhân công, phương tiện tiêu hủy, trang bị bảo hộ)… Huyện tổ chức tiêu hủy lợn đảm bảo an toàn, không làm lây lan dịch bệnh. Nậm Pồ cũng khẩn trương rà soát tổng số hộ chăn nuôi lợn, tổng đàn lợn, đặc biệt tại bản đã có dịch để tránh tình trạng khai báo không trung thực nhằm trục lợi chính sách hỗ trợ.
Đối với xã Nà Hỳ thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để bao vây, khống chế ổ dịch. Bố trí lực lượng thường trực kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn. Đặc biệt, đối với hoạt động giết mổ, mua bán sản phẩm lợn tại chợ Nà Hỳ, yêu cầu UBND xã Nà Hỳ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Điều 26 và khoản 1, Điều 27 Luật Thú y ngày 19/6/2015; tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân hiểu tính chất nguy hiểm của bệnh, không buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, sản phẩm từ lợn mắc bệnh…
Lực lượng chức năng tuyên truyền, động viện hộ gia đình có lợn bị mắc dịch tả châu Phi.
Chị Giàng Thị Pao, tiểu thương bán thịt lợn tại Chợ xã Nà Hỳ cho biết: Việc giết mổ và bày bán thịt lợn, luôn được tôi đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ, có dấu kiểm dịch nên người mua hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng. Hiện nay, khi mua thịt lợn, người dân cũng thường hỏi kỹ về nguồn gốc, có nhiều người cẩn thận xem dấu kiểm dịch; quan sát miếng thịt kỹ lưỡng hơn rồi mới mua”.
Cùng với đó, huyện Nậm Pồ cũng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền hàng ngày về diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn để người dân nắm bắt kịp thời; khi lợn có triệu chứng bị bệnh, phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương xử lý kịp thời, thực hiện tốt “5 không”, đó là “Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn”.
Với sự chủ động triển khai các giải pháp, huyện Nậm Pồ đã và đang nỗ lực ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, hạn chế thấp nhấp thiệt hại cho người chăn nuôi.
Bài, ảnh: Sầm Phúc