Quy trình nuôi vịt đẻ an toàn sinh học

(Người Chăn Nuôi) – Mô hình nuôi vịt siêu trứng an toàn sinh học là một hướng đi có nhiều tiềm năng và lợi thế giúp người chăn nuôi phát triển kinh tế nông hộ, nâng cao thu nhập.

Lựa chọn giống vịt

Hiện nay, có 2 giống vịt được chọn nuôi hướng trứng là Đại Xuyên TC và Triết Giang (vịt cò), dựa theo sản lượng trứng mà chúng có thể đạt được.

Vịt siêu trứng Đại Xuyên TC có lông màu cánh sẻ đậm, mỏ và chân màu vàng nhạt, tuổi đẻ là 17 – 18 tuần tuổi, khối lượng vịt vào đẻ 1,2 – 1,4 kg/con, năng suất trứng từ 275 – 290 quả/mái/năm, tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng 1,9 – 2,05 kg, khối lượng trứng 60 – 70 g.

Vịt siêu trứng Triết Giang có lông màu cánh sẻ nhạt mỏ và chân màu vàng nhạt, tuổi đẻ là 16 – 17 tuần tuổi, khối lượng vịt vào đẻ 1,1 – 1,3 kg/con, năng suất trứng từ 260 – 270 quả/mái/năm, tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng 2,0 – 2,15 kg, khối lượng trứng 55 – 65 g.

Con giống: Chọn những con nở đúng ngày (28 ngày), nếu vịt nở sớm hoặc muộn đều không tốt, nuôi có tỷ lệ chết cao; Vịt con khỏe mạnh, lông mượt, không vị tật (hở rốn, khoèo chân, vẹo mỏ…). Chân bóng, cuống rốn khô, mắt nhanh và sáng; Giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo nơi cung cấp an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, không mua giống nơi không có kiểm dịch của cơ quan Thú y.

Chuồng trại

Mái chuồng lợp tôn, fibro ximăng, lợp lá dừa nước đều được. Nền chuồng phải cao hơi dốc, không gồ ghề, được lát bằng gạch hoặc xi măng nhám, chất độn chuồng phải khô sạch.

Diện tích chuồng nếu nuôi nhốt: 1m2 cho 30 – 32 vịt dưới 10 ngày tuổi; 18 – 20 vịt từ 11 – 20 ngày tuổi; 4 – 5 vịt từ 21 ngày tuổi trở lên. Diện tích sân chơi và ao tắm cho vịt thì gấp đôi diện tích chuồng.

Cho vịt ăn, uống ở ngoài chuồng để giữ chuồng được khô sạch. Sau khi vệ sinh chuồng, cần để trống chuồng 5 – 7 ngày mới nuôi lứa khác. Chất độn chuồng phải được phơi khô và được xử lý bằng các chất sát khuẩn thông thường. Chuồng được độn dày 5 – 8 cm tùy theo thời tiết từng mùa và theo tuổi vịt.

kỹ thuật nuôi vịt

Mô hình nuôi vịt an toàn sinh học đang là hướng đi mới nhiều tiềm năng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Nuôi dưỡng, chăm sóc

Cho ăn: Cho vịt ăn thức ăn công nghiệp hỗn hợp dạng viên hoàn chỉnh có tỷ lệ đạm (Protein) từ 19 – 21%; có thể sử dụng thức ăn đậm đặc phối trộn với thức ăn sẵn ở địa phương, nhưng phải bảo đảm tỷ lệ đạm như trên.  

Ngày thứ 1: Vịt mới bắt về cho nghỉ ngơi khoảng 1 tiếng đồng hồ, sau đó cho vịt uống nước sạch có pha B complex + đường glucoz 5% + kháng sinh để phòng bệnh tiêu chảy, viêm rốn cho vịt. Sau 6 – 8 giờ cho vịt ăn bắp xay nhuyễn, tấm ngâm giã nhuyễn với hành lá.

 Ngày thứ 2 – 16: Cho ăn như ngày 1 nhưng bắt đầu pha thức ăn từ ít tới hoàn toàn thức ăn hỗn hợp dành cho vịt con, đến ngày thứ 10 tập dần cho vịt ăn thêm rau xanh băm nhỏ (rau muống, chuối cây, lục bình, rau chay…).

Vịt con từ 17 ngày trở đi, tập cho vịt con ăn lúa, cũng từ ít đến nhiều, lúa có thể luộc cho hạt nở bung và cho vịt ăn tăng dần, từ 1/4 – 1/3 lúa luộc + thức ăn hỗn hợp vịt con. Khi vịt được 20 ngày tuổi cho ăn lúa sống và rau xanh cho ăn 3 – 4 lần/ngày.

Giai đoạn vịt hậu bị 9 – 24 tuần tuổi: là giai đoạn từ 56 ngày tuổi đến khi bắt đầu đẻ. Trong suốt giai đoạn này, vịt được nuôi hạn chế thức ăn về cả số và chất lượng làm sao để đạt trọng lượng ở mức yêu cầu của giống nhằm bảo đảm có năng suất đẻ trứng cao trong giai đoạn sinh sản.

Chăm sóc: Sân chơi cho vịt hậu bị là bãi cát, bãi cỏ. Trước khi sử dụng nên dọn sạch và tẩy uế. Sân chơi cho vịt còn có thể là sân gạch. Sân chơi cần phải dọn sạch, tránh những vật sắc nhọn, gồ ghề gây xây sát và nhiễm trùng gan bàn chân vịt.  Sân chơi cho vịt cũng cần phải có bóng râm cho vịt tránh nắng. Thức ăn của vịt được rải nên sàn chuồng trên một diện rộng để đảm bảo tất cả vịt có thể được ăn cùng một lúc.

Ánh sáng: Từ 8 – 16 tuần tuổi chỉ cần sử dụng ánh sáng tự nhiên. Từ 16 – 20 tuần đẻ thì tăng dần thời gian chiếu sáng sao cho trước khi vịt vào đẻ đạt 17 giờ chiếu sáng. Cường độ chiếu sáng vẫn giữ là 5 W/m2 chuồng nuôi.

Chăm sóc vịt đẻ

Giai đoạn vịt đẻ: Tính từ lúc vịt đẻ được 5% đến hết một chu kỳ đẻ. Khi vịt được 18 tuần tuổi chọn những con khỏe mạnh, ngoại hình đẹp, đầu thẳng, mông nở, mắt sáng, nhanh nhẹn để làm vịt mái đẻ.

Nuôi vịt chuyên trứng nhốt sử dụng 100% cám công nghiệp hoặc có thể tận dụng nông sản, phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Những nguồn nguyên liệu này có giá thành phải chăng, dễ kiếm, có thể trực tiếp sản xuất. Nếu chế biến đúng cách vẫn đảm bảo cân bằng hàm lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Cung cấp năng lượng duy trì, phát triển và sản lượng trứng đều cho đàn vịt.

Thời gian chiếu sáng: Theo tiêu chuẩn là 17 giờ/ngày. Ngoài thời gian chiếu sáng ước tính 12 – 14 giờ/ngày, cần bổ sung thêm chiếu sáng nhân tạo bằng đèn có công suất 3 – 5 W/m2 cho đàn vịt phát triển.

Thu nhặt trứng: Vịt thường đẻ vào ban đêm, có thể thu nhặt trứng 2, 3 lần/đêm vào lúc 3 – 4 giờ và 5 – 6 giờ sáng để trứng không bị vịt làm bẩn hoặc bị vỡ. Trứng xếp vào khay, để nơi cao ráo, thoáng mát sẽ làm cho trứng tươi lâu hơn. Nếu trứng để ấp thì phải chuyển vào lò trước 5 ngày kể từ sau khi vịt đẻ.

Phòng bệnh

  • Định kỳ vệ sinh, tiêu độc chuồng trại theo đúng quy định.
  • Sử dụng vôi bột rắc xung quanh chuồng nuôi và bên trong chuồng để tiêu độc trước khi bắt đầu chu kỳ nuôi vịt. Kết hợp sử dụng nước vôi rửa sạch bên trong chuồng.
  • Chất độn chuồng nếu ẩm ướt cần thay tránh làm vịt bị nhiễm bệnh.
  • Máng ăn và máng uống cần được rửa mỗi ngày khoảng 2 lần, loại bỏ hết thức ăn thừa trong máng, đem ra nắng phơi khô.
  • Xử lý phân và chất thải của vịt.
  • Để phòng trừ dịch bệnh, vịt nhập về cần được cách ly 15 – 20 ngày. Trong giai đoạn nuôi cần tiến hành tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch. Nếu phát hiện con bị bệnh cần cách ly, chữa trị. Trong trường hợp vịt bị chết, phải xử lý tiêu hủy đúng quy định, tránh làm lây lan cả đàn.

Hoàng Yến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *