(Người Chăn Nuôi) – Bão số 3 (Yagi) đổ bộ đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Với riêng lĩnh vực chăn nuôi, tính đến ngày 13/9, cơn bão đã làm hơn 9.000 con gia súc, gần 2 triệu con gia cầm bị chết, nhiều vùng chăn nuôi mất trắng.
Thiệt hại nặng nề
Cùng với công tác ứng phó với mưa lũ, hiện nhiều địa phương cũng đã bắt tay khôi phục hạ tầng, sản xuất nông nghiệp. Với lĩnh vực chăn nuôi, theo thống kê sơ bộ đã có 9.079 con gia súc và 1.956.449 triệu con gia cầm bị chết sau bão. Trong đó, các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên,…
Cơn bão số 3 còn ảnh hưởng rất trầm trọng tới hạ tầng chăn nuôi. Tại xã Tân Viên, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, tất cả các trang trại bị tốc mái, đổ tường. Để khôi phục, địa phương rất cần điện nhưng hiện hàng chục cột điện nơi đây bị đổ, để có điện trở lại cũng phải mất từ 1 – 2 tuần.
Đã nhiều ngày nay, trại heo của anh Lương Văn Đạt (xã Tân Viên) không có mái. Gặp mưa, sức khỏe đàn vật nuôi yếu dần, nhất là heo nái. Anh Đạt đang nỗ lực để có thể đảm bảo một số hoạt động tối thiểu duy trì những con còn lại sau thiệt hại quá lớn. Anh Đạt cho biết: Gia đình tôi có 2.000 con vịt bị chết 2 do đổ nhà, chuồng heo sập hết 2 mái, ngói rơi làm bị thương heo mẹ, heo con gãy chân phải bán loại”.
Bão số 3 khiến nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện An Lão, TP Hải Phòng bị phá hủy. Ảnh: ST
Hiện nay, 60 trại chăn nuôi ở xã Tân Viên với hàng trăm nghìn vật nuôi đang ở trong tình trạng nan giải khi số hộ có điện nước mới chỉ gần một nửa, một số gia đình dùng máy phát điện để duy trì cho chuồng nuôi nhưng chi phí đội lên rất cao.
Còn tại Hà Nội, chỉ sau một đêm nước dâng, hàng vạn con gà đẻ trứng của hộ gia đình ông Hoàng Ngọc Đoàn (khu Bãi Già, xã Tàm Xá, huyện Đông Anh) đã bị cuốn trôi, ước tính thiệt hại cả hơn chục tỷ đồng. Cùng với đó, nhiều tài sản khác tại trang trại như máy phát điện, quạt gió,… cũng bị hư hỏng.
Được biết, trang trại của gia đình ông Đoàn có tổng cộng hơn 80.000 con gà. Do gà được nuôi ở khu vực bãi cách sông Hồng khoảng 2 km, nên khi nước lên, khu chăn nuôi bị ngập toàn bộ. “Chỉ sau một trận lũ, toàn bộ số gà đang trong độ đẻ trứng và xuất chuồng phần lớn chết sạch, kéo theo bao tâm huyết, tiền bạc của gia đình đổ sông đổ bể”, ông Đoàn chia sẻ.
Chỉ tính riêng tiền gà, gia đình ông Đoàn thiệt hại khoảng 11 tỷ đồng. Nếu tính cả tiền thức ăn với khoảng 140 tấn cám bị mốc, trang thiết bị điện bị ngập nước thiệt hại lên tới 14 tỷ đồng. “Gia đình tôi làm trang trại cũng đã 14 năm nay, nhưng chưa có một trận lũ nào như thế này cả. Đây là lần gia đình bị thiệt hại nặng nhất, đợt cúm H5N1 cũng không mất nhiều tiền như thế. Tích cóp bao nhiêu năm, toàn bộ của cải giờ mất hết, tôi rơi vào cảnh trắng tay, ôm nợ ngân hàng. Hiện tại gia đình tôi phải trả lãi ngân hàng hơn 200 triệu mỗi tháng”, ông Đoàn đau xót kể.
Trước khi xảy ra trận lũ lần này, trang trại của ông Đoàn rộng khoảng 2,6 ha, với 7 dãy chuồng mỗi chuồng duy trì khoảng 10.000 – 13.000 con gà đẻ trứng và hơn 10.000 gà hậu bị. Cơ sở đã được chứng nhận chăn nuôi VietGAP vào năm 2018, tạo công ăn việc làm cho 15 công nhân. Sau khi xảy ra vụ việc, toàn bộ công nhân phải nghỉ làm, rơi vào cảnh thất nghiệp. Ông Đoàn cho biết, sau khi khắc phục hậu quả do bão lụt gây ra, gia đình có nguyện vọng được tiếp tục chăn nuôi trên cơ sở vật chất đã đầu tư để thu hồi vốn và có nguồn trả nợ ngân hàng cũng như tạo điều kiện duy trì công ăn việc làm cho công nhân, vì vậy, ông rất mong các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện cho gia đình tái sản xuất.
Hỗ trợ hộ chăn nuôi khôi phục sau bão
Trước hậu quả nặng nề mà cơn bão gây ra đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã có giải pháp hỗ trợ hộ chăn nuôi khôi phục lại kế sinh nhai. Các địa phương cũng đang khẩn trương tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm cuối năm.
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, hiện vẫn chưa thể thống kê đầy đủ con số thiệt hại của ngành chăn nuôi do bão lũ gây ra, chủ yếu là tại các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Nguyên nhân là bởi sau đại dịch Covid-19, ngành chăn nuôi không chỉ thay đổi mô hình, mà còn thay đổi diện tích, vị trí. Các doanh nghiệp lớn, trang trại lớn đã di chuyển đến các vùng chăn nuôi rộng, cao hơn và đảm bảo an toàn sinh học.
“Sinh kế của hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất quan trọng nên ngành chăn nuôi coi việc hỗ trợ các hộ là nhiệm vụ trong thời gian tới. Ngành đang cùng các địa phương phía Bắc nắm bắt tình hình thực tế để hỗ trợ người nuôi nhanh và hiệu quả nhất”, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng khẳng định.
Cục Chăn nuôi cũng đã thông báo tới các địa phương sau khi hết bão lũ cần làm tốt công tác an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; đồng thời, thống kê số hộ chăn nuôi cần hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi, Cục sẽ kêu gọi doanh nghiệp cùng ngành hỗ trợ để khôi phục lại sinh kế cho hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ.
Trại nuôi gà của một người dân tại huyện Mê Linh, TP Hà Nội bị ngập nặng do nước lũ.
Được biết, mới đây, Bộ NN&PTNT cũng đã có công văn gửi 28 tỉnh, thành tăng cường công tác chủ động khắc phục, khôi phục cho đàn vật nuôi sau cơn bão số 3. Trong đó, đề nghị địa phương thống kê đầy đủ số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại và thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người sản xuất theo Nghị định số 02.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT và các Sở, ban ngành, đoàn thể liên quan triển khai tích cực các biện pháp trong phòng, chống thiệt hại do bão, lũ cho đàn vật nuôi trên địa bàn. Cử các đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện biện pháp khắc phục, khôi phục cho đàn vật nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi bằng các nguồn lực sẵn có tại địa phương. Chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ kịp thời cho công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ, xây dựng các giải pháp khắc phục phù hợp với điều kiện ở địa phương.
Cùng với đó, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp khôi phục, khắc phục tái đàn. Ngoài ra, để chuẩn bị cho công tác tái đàn, khôi phục sản xuất, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo quy định; không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.
Minh Khuê
(Tổng hợp)