Triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp giết mổ

(Người Chăn Nuôi) – Bộ NN&PTNT vừa ban hành Quyết định số 2848/QĐ-BNN-CN phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030. 

Ngày 30/12/2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1740/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 (viết tắt là Đề án). Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu.

Quyết định số 2848/QĐ-BNN-CN

Đề án đặt mục tiêu, năm 2030, khoảng 70% gia súc và 50% gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp. Ảnh: ST

Thực hiện Đề án này, Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch triển khai với các nội dung nhằm đảm bảo tổ chức triển khai các nhiệm vụ nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các mục tiêu của Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, Bộ NN&PTNT giao Cục Chăn nuôi là đơn vị đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong Bộ, các Bộ, ngành có liên quan và địa phương. Tổ chức theo dõi, đôn đốc, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch; báo cáo và tham mưu Lãnh đạo Bộ xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ và căn cứ vào Kế hoạch hành động này, xây dựng kế hoạch cụ thể; chủ động rà soát nhiệm vụ và kinh phí triển khai trình đơn vị có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Bộ NN&PTNT giao Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính căn cứ vào đề xuất của các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí theo quy định để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án.

Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; chủ động lồng ghép việc thực hiện với các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan tại địa phương; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, các tổ chức, cá nhân liên quan để triển khai các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.

Theo Quyết định của Bộ NN&PTNT có 8 nhiệm vụ, chương trình dự án bao gồm: Phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc triển khai Đề án; Rà soát phân loại tổng thể các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và nhỏ lẻ, tăng cường các hoạt động quản lý và cấp phép nhằm bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh và an toàn chất lượng theo quy định; Xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống quản lý, thống kê các cơ sở chế biến, giết mổ tập trung các sản phẩm chăn nuôi; Kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh thú y, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm… đáp ứng quy định của Việt Nam cũng như đáp ứng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; Xây dựng mô hình phát triển và liên kết chuỗi các sản phẩm chăn nuôi chủ lực, đặc thù tại các địa phương; Giới thiệu quảng bá sản phẩm chăn nuôi với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, Thúc đẩy nâng cao trách nhiệm ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Đàm phán, tháo gỡ rào cản và thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi; Phân tích, dự báo nhu cầu, xu hướng tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi chủ lực, có thương hiệu làm căn cứ để định hướng phát triển. 

Sáu chương trình dự án ưu tiên trong thực hiện Đề án bao gồm: Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến, giết mổ tập trung các sản phẩm chăn nuôi; Điều tra, khảo sát, đánh giá công nghệ chế biến các sản phẩm chăn nuôi; Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu; Rà soát, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn; Nghiên cứu, rà soát và xây dựng bổ sung các chính sách đặc thù của lĩnh vực giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; Ứng dụng đề tài nghiên cứu cấp quốc gia hỗ trợ nghiên cứu phát triển sản phẩm chế biến mới và sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Minh Khuê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *