Từ đầu năm 2024, Công ty CP Nông nghiệp xanh Bình Định triển khai thí điểm mô hình nuôi heo rừng lai theo hướng liên kết chuỗi cung ứng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 52 hộ trong tỉnh đăng ký tham gia mô hình. Thực tế cho thấy, nuôi heo rừng lai theo hướng liên kết chuỗi cung ứng là hướng đi mới, giúp nông dân cải thiện nguồn thu nhập, không phải lo khâu tiêu thụ.
Ông Võ Tuấn Kiệt, Trưởng kinh doanh Công ty CP Nông nghiệp xanh Bình Định, cho biết: Phương châm công ty đề ra khi thực hiện mô hình là “Người nuôi có lời – Người ăn có lợi”. Theo đó, hộ đăng ký tham gia mô hình sẽ được công ty hướng dẫn kỹ thuật (cách xây dựng chuồng trại, cách chăm sóc, nuôi dưỡng và khẩu phần ăn), hỗ trợ tiêu thụ…
Sau 3 tháng thả nuôi, heo rừng nái của anh Phan Trọng Đường đã sinh sản. Ảnh: A.N
Là 1 trong 5 hộ đầu tiên ở thôn Cảnh An, xã Cát Tài (huyện Phù Cát) tham gia mô hình nuôi heo rừng lai theo chuỗi cung cứng của Công ty CP Nông nghiệp xanh Bình Định, anh Phan Trọng Đường cho biết: “Để cải thiện điều kiện kinh tế gia đình, đầu năm 2024, tôi quyết định tham gia mô hình này. Sau khi được công ty hướng dẫn kỹ thuật nuôi, gia đình tiến hành xây chuồng và được công ty cấp 4 con heo rừng lai, trong đó có 3 heo mẹ và 1 heo đực giống. Sau 3 tháng thả nuôi, 3 con heo mẹ đã sinh sản lứa heo con đầu tiên”.
Toàn bộ sản phẩm heo rừng nuôi tại nông hộ được Công ty CP Nông nghiệp xanh Bình Định mua theo giá thỏa thuận, đưa bán trực tiếp đến nhà hàng, quán ăn và các cơ sở kinh doanh, ăn uống có nhượng quyền của công ty. Bên cạnh đó, công ty còn xây dựng mô hình điểm bán thịt heo rừng nuôi ở TP Quy Nhơn, nhằm cung cấp các sản phẩm heo rừng sạch đến người tiêu dùng.
Đáng chú ý, các hộ đăng ký nuôi heo rừng lai theo mô hình liên kết chuỗi cung ứng phải tuân thủ và áp dụng quy trình an toàn sinh học đúng với công ty hướng dẫn. Cụ thể, sát trùng 1 lần/tuần (chuồng trại, dụng cụ, máng ăn…); không cho khách tham quan chuồng trại; không cho heo ăn thức ăn không rõ nguồn gốc; sử dụng nước giếng, nước ao hoặc nước máy… đảm bảo an toàn, không sử dụng nước sông trong quá trình cho heo tắm rửa, ăn, uống; trước cổng ra vào trại phải có máng sát trùng; chuồng nuôi 100% phải mắc mùng chống ruồi, muỗi; cống rãnh phải có lưới ngăn chuột; tuyệt đối không được chế biến thịt heo trong gia đình cùng chỗ chăn nuôi…
“Công ty bao tiêu đầu ra sản phẩm, do đó, việc nuôi heo phải tuân thủ theo định hướng của công ty. Có như vậy mới tạo ra nguồn thực phẩm sạch để cung ứng đến khách hàng. Hy vọng, mô hình sẽ được nhiều người biết đến và tham gia hơn, góp phần xây dựng phát triển lớn mạnh mô hình ý nghĩa này”, ông Võ Tuấn Kiệt nhấn mạnh.
AN NHIÊN
Nguồn: Báo Bình Định