Thời gian qua, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được duy trì và phát triển theo hướng tích cực. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng hằng năm luôn đứng tốp đầu các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc; tỷ trọng ngành chăn nuôi năm 2023 chiếm trên 45% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã chú trọng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ngăn chặn dịch bệnh từ sớm
Toàn tỉnh hiện có hơn 95 nghìn con trâu, bò; 600 nghìn con lợn và 16 triệu con gia cầm. Nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ theo đúng chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi được xem là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất, đặc biệt đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ hơn 2 triệu liều vắc-xin để tiêm cho gia súc, gia cầm, với các loại bệnh chủ yếu: lở mồm long móng; tụ huyết trùng; cúm gia cầm; dịch tả lợn; lepto lợn. Ngoài ra, 5/9 huyện, thành phố cũng bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ người chăn nuôi các loại vắc-xin cho đàn trâu, bò. Kết quả tiêm phòng đợt 1, đối với nguồn vắc-xin của tỉnh cấp đã đạt 55 – 62% so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao.
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại xã Dân Tiến (Võ Nhai).
Ông Ngô Văn Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Hỷ chia sẻ: Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm. Đồng thời phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng vắc-xin cho vật nuôi. Đến nay, kết quả tiêm các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm đợt I trên địa bàn huyện đạt trên 60% chỉ tiêu cả năm.
Bên cạnh nguồn hỗ trợ, các hộ chăn nuôi cũng chủ động mua và tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm của gia đình nhằm đảm bảo yêu cầu phòng bệnh. Ông Nông Văn Dương, ở xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) cho hay: Gia đình tôi chăn nuôi 2 con trâu sinh sản và 14 con lợn thịt, lợn nái. Mặc dù 2 năm nay không còn được Nhà nước hỗ trợ vắc-xin nhưng tôi vẫn tự mua để phòng các bệnh viêm da nổi cục, lở mồm long móng, tụ huyết trùng.
Cùng với việc chủ động tiêm vắc-xin thì công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc nhằm tiêu diệt mầm bệnh cũng được ngành Nông nghiệp và các địa phương quan tâm. Ngay từ đầu năm, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã cấp 6.570 lít hóa chất sát trùng để thực hiện khử trùng. Đồng thời bổ sung thêm cho một số địa bàn xảy ra dịch là Võ Nhai và Phú Bình.
Ngoài các biện pháp trên, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh còn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; giám sát, phát hiện, xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh…
Đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng trang trại
Hình thành ngày càng nhiều các trang trại tập trung là định hướng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.197 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm (trong đó 57 trang trại chăn nuôi quy mô lớn; 671 trang trại quy mô vừa và 469 trại chăn nuôi quy mô nhỏ). Có 76 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi và 13 công ty liên doanh chăn nuôi gia công. Ngoài ra còn có 9 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và 168 cơ sở sản xuất giống gia cầm, lợn.
Việc phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp mà còn hạn chế rủi ro do dịch bệnh. Bởi các trang trại đều được đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, máy móc hiện đại, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý. Đơn cử như trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Quách Thành Đạt, xóm Bản Là, xã Bình Thành (Định Hóa) có tổng diện tích trên 8.000 m2, mỗi lứa nuôi 9.000 con gà lông trắng. Áp dụng chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, anh Đạt đã xây dựng chuồng trại theo mô hình khép kín với đầy đủ hệ thống máng ăn, máng nước; hệ thống làm lạnh tỏa ra hơi mát; sử dụng men vi sinh làm chất độn dưới nền chuồng…
Anh Đạt cho biết: Trong quá trình chăn nuôi, tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt việc cho gà uống vắc-xin, vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng tiêu độc và rắc vôi bột xung quanh chuồng trại 1 lần/tuần… nên gần 10 năm qua, chưa từng xảy ra dịch bệnh.
Nói về định hướng phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới, ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, chia sẻ: Ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục phát triển theo hướng trang trại, trong đó, sẽ ưu tiên phát triển tại các địa phương có quỹ đất rộng như: Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ. Hiện, các địa phương đã tích hợp quy hoạch phát triển chăn nuôi vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025.
Được biết, trên địa bàn tỉnh đã có một số dự án chăn nuôi quy mô lớn đang hoàn thiện hồ sơ, xây dựng trang trại chăn nuôi như: Trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao kết hợp trồng cây và nuôi trồng thuỷ sản của Công ty CP Chăn nuôi công nghệ cao Thái Nguyên tại xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), với quy mô 3.600 lợn nái, trên 118.000 lợn thịt/năm; Dự án trang trại chăn nuôi lợn tại xã Bình Thành (Định Hóa) của Công ty TNHH Green Thái Nguyên với quy mô 5.000 con lợn nái và 60.000 con lợn thịt; Dự án trang trại chăn nuôi của Công ty CP tập đoàn Dabaco Việt Nam, tại xã Bình Thành (Định Hoá) với quy mô 3.200 con lợn nái và 40.000 lợn thịt/năm…
Vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập
Mặc dù công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh đã đạt những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập. Ông Nông Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tràng Xá (Võ Nhai) cho biết: Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn xã chủ yếu theo hộ gia đình, số lượng đàn ít, điều kiện an toàn dịch bệnh không đảm bảo. Trong đó, có nhiều hộ thờ ơ trong việc khai báo với chính quyền địa phương khi đầu tư chăn nuôi, điều này gây khó khăn trong công tác triển khai tiêm phòng, kiểm soát, phát hiện sớm dịch bệnh.
Còn ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh chia sẻ: Công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm còn gặp nhiều khó khăn do một số chủ hàng vận chuyển còn trốn tránh chưa chấp hành. Bên cạnh đó, việc xây dựng và quản lý các cơ sở giết mổ còn nhiều hạn chế. Một số cơ sở giết mổ đã được cấp phép nhưng hoạt động không hiệu quả, tỷ lệ giết mổ động vật chưa đúng quy định vẫn còn là nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.
Kết quả tiêm phòng một số loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt I/2024. (đơn vị: nghìn liều)
Ngoài những khía cạnh kể trên thì một số khó khăn, bất cập khác cũng cần nhắc đến là về nhân lực thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; cơ chế, chính sách cho người tham gia hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh (thống kê, rà soát, tiêu hủy vật nuôi mắc bệnh, trực chốt kiểm dịch) chưa được hỗ trợ…
Để khắc phục những khó khăn trên, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đề nghị UBND tỉnh sớm kiện toàn lại hệ thống thú y theo 4 cấp; chỉ đạo ngành chức năng sớm cấp kinh phí để kịp thời mua các loại vắc-xin hỗ trợ các hộ chăn nuôi. Các địa phương trong tỉnh quản lý chặt chẽ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; thống kê đầy đủ các hộ chăn nuôi cũng như cập nhật thường xuyên số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn để thuận lợi trong việc theo dõi, xử lý khi có dịch bệnh xảy ra…
Vũ Công
Nguồn: Báo Thái Nguyên