Hải Dương vốn có thế mạnh chăn nuôi nên việc chuẩn bị các điều kiện để hướng đến thị trường carbon là điều cần thiết, vừa góp phần giảm khí thải, vừa nâng cao giá trị ngành chăn nuôi.
Chủ động xử lý chất thải
Là trang trại chăn nuôi quy mô tương đối lớn, với 100 con lợn nái và 300-400 con lợn thịt/lứa, anh Bùi Văn Lĩnh ở khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa (Chí Linh) luôn chú trọng xử lý chất thải. Với phân lợn, anh dùng chất xử lý qua, sau đó dùng máy ép khô và đóng bao, bán cho người có nhu cầu bón cây, cấy lúa. Còn nước thải, anh xử lý bằng hầm biogas và dùng tưới cho cây trồng. “Gần như trang trại không có chất thải dư thừa, chúng tôi tận dụng tất cả cho sản xuất nông nghiệp”, anh Lĩnh nói.
Mỗi năm ngành chăn nuôi Hải Dương thải ra khoảng 1,5 triệu tấn chất thải
Khác với anh Lĩnh, anh Luyện Huy Đoan ở xã Ngô Quyền (Thanh Miện) lại sử dụng giun quế để xử lý chất thải của bò. Phân được xử lý qua bằng các loại men, sau đó đưa vào khu vực nuôi giun quế. Loại giun này xử lý các chất trong phân bò thành phân hữu cơ, rất hữu ích với cây trồng.
Gia đình anh Bùi Văn Lĩnh ở khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa (Chí Linh) sử dụng máy ép chất thải
Hải Dương hiện có 1.228 trang trại chăn nuôi, trong đó 776 trang trại nuôi lợn, 450 trang trại gia cầm, 2 trang trại nuôi bò. Mỗi năm, lượng chất thải của gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh khoảng 1,5 triệu tấn.
Cần xây dựng mô hình điểm
Tại Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 được tổ chức năm 2021, Việt Nam cam kết đẩy mạnh các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Ngành chăn nuôi Việt Nam là lĩnh vực sinh nhiều phát thải nhà kính, chiếm từ 18-20% nên việc giảm khí phát thải cần được quan tâm.
Tại hội thảo “Phát triển chăn nuôi bền vững, giảm phát thải, tiếp cận thị trường carbon tại Hải Dương” do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh phối hợp tổ chức vào tháng 5 tại huyện Thanh Hà, Tiến sĩ Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết giảm phát thải trong chăn nuôi là làm thế nào để các yếu tố đầu vào được sử dụng triệt để, không phát sinh chất thải. Tín chỉ carbon là giấy phép hoặc chứng chỉ có thể mua bán, cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải 1 tấn carbon dioxide.
Phân bón sau xử lý được đóng thành bao, bán cho người có nhu cầu cấy lúa, trồng rau
Theo ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, bồi dưỡng và phát triển khoa học công nghệ tỉnh, người chăn nuôi đã áp dụng các mô hình khép kín như: vườn, ao, chuồng; vườn, ao, chuồng, rừng; sử dụng đệm lót sinh học, xây dựng công trình khí sinh học, nuôi côn trùng để xử lý chất thải… Để hướng đến thị trường carbon, trung tâm đang phối hợp đề xuất dự án “Phát triển thị trường khí sinh học kết hợp khai thác tín chỉ carbon phục vụ mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp bền vững không chất thải” với 2 giai đoạn, từ năm 2024 – 2025 và từ năm 2026. Trong đó, sẽ lựa chọn 6 – 10 hộ chăn nuôi quy mô lớn, xây dựng các hầm biogas quy mô hàng nghìn m3 để xử lý chất thải chăn nuôi. Khi đó, người chăn nuôi sẽ có cơ hội được cấp tín chỉ carbon để bán trên thị trường. “Việc thực hiện chăn nuôi giảm phát thải để tiến tới thị trường carbon là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, thị trường này mới hình thành, còn mới mẻ nên việc học hỏi và phối hợp với các đơn vị nước ngoài này cần được chú trọng”, ông Thái nói.
Dù đã áp dụng các mô hình chăn nuôi bền vững gắn với tăng trưởng xanh hay chăn nuôi tuần hoàn, nhưng anh Bùi Văn Lĩnh cho biết anh chưa nghe nói đến tín chỉ carbon trong chăn nuôi nên chưa biết phải làm thế nào để hướng đến thị trường này.
Để người dân hiểu được về thị trường carbon, các cơ quan chuyên môn cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa chăn nuôi carbon thấp. Xây dựng các mô hình điểm và tuyên truyền nhân rộng để người chăn nuôi biết và thực hiện…
Vài năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công những thương vụ bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 60 triệu đô la. Trong đó, Chương trình khí sinh học ngành chăn nuôi Việt Nam đã triển khai tại 53 tỉnh với 181.683 công trình khí sinh học. Thông qua chương trình khí này, Việt Nam đã bán được 3.072.265 đơn vị tín chỉ carbon, thu về 8,1 triệu đô la.
Thanh Hà