(Người Chăn Nuôi) – Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD, tăng 3,8%.
Chăn nuôi nhiều điểm sáng
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT tại Hội nghị Tổng kết công tác 6 tháng đầu năm, và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm diễn ra mới đây, 6 tháng đầu năm, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định. Đàn heo tăng 2,9%; sản lượng thịt hơi 2,54 triệu tấn, tăng 5,1%. Đàn gia cầm tăng 2,3%; sản lượng thịt hơi 1,21 triệu tấn, tăng 4,9% và trứng gần 10,1 tỷ quả, tăng 5,1%. Đàn trâu giảm 3,9%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 62,1 nghìn tấn, tương đương cùng kỳ năm trước. Đàn bò giảm 0,9%; sản lượng thịt 255,9 nghìn tấn, tăng 1,1%; sản lượng sữa 643,7 nghìn tấn, tăng 5,5%.
Nhìn chung thị trường trong nước không có biến động lớn, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu luôn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá các mặt hàng nông sản tương đối bình ổn, riêng mặt hàng thịt heo, do ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi đang lây lan tại một số địa phương, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ không tái đàn đã ảnh hưởng đến nguồn cung nên giá lợn hơi và thịt lợn tăng tại một số khu vực.
Dịch bệnh được kiểm soát đã giúp chăn nuôi phát triển ổn định. Ảnh: ST
Ông Phạm Kim Đăng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, để đạt được tốc độ tăng trưởng như hiện nay, ngành đã bám sát các đề án phát triển rường cột. Nhờ thu hút tốt các nguồn đầu tư, ngành chăn nuôi đang chuyển đổi rõ cả về quy mô, phương thức, từ nhỏ lẻ sang tập trung, liên kết theo chuỗi; chuyển vùng chăn nuôi sang khu vực rộng hơn để đảm bảo an toàn sinh học. Đồng thời, với sự hỗ trợ đắc lực của ngành thú y, dịch bệnh cơ bản được khống chế; việc buôn lậu, nhập lậu được ngăn chặn, từ đó có tác động tốt với sản xuất trong nước, giúp kiểm soát nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu.
Tính đến ngày 01/7/2024, cả nước không có dịch bệnh cúm gia cầm và tai xanh; có 296 ổ dịch tả heo châu Phi tại 20 tỉnh; có 3 ổ dịch lở mồm long móng tại 2 tỉnh Yên Bái, Gia Lai; có 5 ổ dịch viêm da nổi cục tại 3 tỉnh chưa qua 21 ngày. Sáu tháng đầu năm, số gia súc, gia cầm bị chết và tiêu hủy khoảng 47.558 con (12.424 gia cầm và 35.134 gia súc).
Theo thống kê, cả nước có 19.660 trang trại, trong đó chăn nuôi chiếm số lượng lớn nhất với 12.349 trang trại. Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ có hiệu quả kinh tế được phát triển; hình thành các chuỗi giá trị liên kết, ngành hàng, như doanh nghiệp – trại chăn nuôi; doanh nghiệp – hợp tác xã – nông hộ để giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng, trong đó ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Hiện cả nước có 17 tỉnh, thành phố có mô hình chăn nuôi heo hữu cơ với quy mô trên 75.000 con; sản lượng thịt hơi gần 7.000 tấn. Có 4.135 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (giảm 747 trang trại và hộ chăn nuôi so với cùng kỳ năm 2023).
Tăng tốc trong 6 tháng cuối năm
Theo kết quả khảo sát xu hướng của gần 26.300 hộ nuôi heo trên toàn quốc mới đây cho thấy, có 3,07% số hộ dự kiến mở rộng sản xuất, 88,10% hộ ổn định sản xuất trong thời gian tới, 5,80% hộ thu hẹp sản xuất, 3,03% hộ không nuôi heo. Được biết, năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng GDP toàn ngành 3,2 – 4,0%. Trong đó, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 4,0 – 5,0%; sản lượng thịt heo 5,02 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm 2,41 triệu tấn.
Để đạt được kết quả đó, Bộ NN&PTNT giao Cục Chăn nuôi tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi, theo đó phát triển chăn nuôi theo định hướng thị trường; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; tăng cường chỉ đạo nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn… trên các đối tượng vật nuôi, nhất là chăn nuôi heo, gia cầm để nâng cao giá trị sản phẩm.
Việt Nam đặt mục tiêu năm 2024, sản lượng thịt gia cầm đạt 2,41 triệu tấn. Ảnh: ST
Cùng đó, nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống gia cầm, khuyến khích nâng cao tầm vóc đàn gia súc ăn cỏ. Thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm theo chỉ đạo tại Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ (đặc biệt là các bệnh dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục…).
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng nhận định, giá thịt heo hơi hiện nay của nước ta đang cao hơn so với các nước trong khu vực như Philippines, Indonesia, Lào, Thái Lan, Campuchia và ngang với giá của Trung Quốc. Mức giá này có thể làm xuất hiện nguy cơ vận chuyển lậu heo từ các nước về Việt Nam và ảnh hướng tới sản xuất trong nước. Vậy nên, ông Đăng cho rằng công tác phòng chống buôn lậu từ các nước sang Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của ngành chăn nuôi trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi sẽ tập trung tuyên truyền và hướng dẫn các địa phương định hướng phát triển chăn nuôi với trồng trọt, việc hấp thụ chất thải của chăn nuôi phải tương ứng với diện tích trồng trọt và công tác cải tạo đất.
Đồng thời, đẩy tiếp tục mạnh sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu; tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi; giảm chi phí sản xuất, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đối với chăn nuôi nông hộ, cần phổ biến cách thức sử dụng thức ăn chăn nuôi hiệu quả, an toàn, khuyến khích người dân tận dụng phụ phẩm làm thức ăn sinh học và tranh thủ lao động tự phối trộn thức ăn. Tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Thùy Khánh