Khu trang trại có quy mô từ 4.000 đến 6.000 con gà được nuôi theo hình thức gối lứa, tháng nào cũng có gà xuất chuồng, trung bình một năm sau khi trừ hết chi phí, anh Bùi Văn Thoa, ở thôn Chả Thượng, xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) thu về 300 triệu đồng tiền lãi.
Về thôn Chả Thượng hỏi trang trại nuôi gà của anh Bùi Văn Thoa không ai là không biết. Gặp anh Thoa khi anh đang dọn dẹp trang trại gà, ít ai biết, người đàn ông 40 tuổi này từng là một giáo viên đứng lớp nhiều năm trước khi quyết định sang ngang làm kinh tế.
Đàn gà chuẩn bị xuất bán của anh Khoa.
Anh Thoa kể, năm 2011, lương nghề giáo không đủ để trang trải lo cho cuộc sống gia đình nên dù đã gắn bó với bục giảng nhiều năm vẫn quyết định bỏ ra làm kinh tế. Sau khi nghỉ nghề giáo, anh được bà con trong thôn tin tưởng, bầu làm trưởng thôn. Đây cũng là cơ duyên để anh đưa ra quyết định phát triển trang trai chăn nuôi gà thương phẩm.
Anh Thoa nhớ lại: “Trong một lần địa phương tổ chức đi tham quan mô hình chăn nuôi tại các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, tôi thấy nhiều mô hình dù có diện tích nhỏ, không gian chật hẹp nhưng vẫn rất thành công, trong khi tại địa phương đất rộng thì lại bỏ không rất lãng phí”.
Anh Khoa chia sẻ về đặc điểm của giống gà Minh Dư Bình Định
Sau quãng thời gian học tập kỹ thuật chăn nuôi từ các trang trại đã từng tham quan, anh Thoa dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm, vay mượn anh em, bạn bè, người thân để xây dựng khu chuồng trại, mua gà giống, thức ăn.
Anh lựa chọn giống gà Minh Dư Bình Định để nuôi vì giống gà này thịt dày, săn chắc, thơm ngon, da vàng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Hiện tại, trang trại của anh Thoa có từ 4.000 – 6.000 con gà được nuôi theo hình thức gối lứa, tháng nào cũng có gà xuất chuồng. Trung bình một năm sau khi trừ chi phí, anh thu lãi 300 triệu đồng.
Chia sẻ về bí quyết nuôi gà đạt hiệu quả, anh Thoa cho biết, đầu tiên phải lựa chọn được giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng. Quá trình nuôi phải tiêm phòng vaccine đầy đủ. Ngoài ra, chuồng trại luôn đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ…
Bên cạnh đó là việc kết hợp thức ăn theo chu kỳ sinh trưởng, phát triển phù hợp của gà. Cụ thể, thời gian đầu khi mới nhập gà giống, tỷ lệ thức ăn là 30% bột ngô, 70% bột cám tăng trọng. Khi đàn gà hơn 1 tháng tuổi, tỷ lệ thức ăn là 50% bột ngô, 50% bột cám. Khi gà được 3 tháng tuổi, tỷ lệ là 70% bột ngô, 30% bột cám. Gà đạt 4 tháng tuổi đến lúc xuất chuồng thì cho ăn 100% bột ngô.
Một con gà từ khi nuôi đến khi xuất bán kéo dài hơn 4 tháng, có trọng lượng khoảng 2,2 – 2,3 kg/con. Để thịt gà săn chắc, anh Minh thường xuyên thả gà cho chạy bộ trên đồi nên luôn được cánh thương lái săn lùng. Nhất là vào dịp lễ tết, trang trại của anh không còn gà để bán.
Khu trang trại nuôi gà của gia đình anh Khoa.
Theo ông Phạm Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân, hằng năm Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND xã thường tổ chức tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh, từ đó nhằm phát triển kinh tế trang trại, gia trại tại địa phương. Anh Thoa là một trong những điển hình phát triển kinh tế ở xã Mỹ Tân thành công với mô hình nuôi gà. Đây là một trong số ít những người đã thành công từ những lần đi tham quan, học tập các mô hình kinh tế. Mô hình chăn nuôi gà của anh Thoa đã tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động ở địa phương, đồng thời khơi dậy được ý chí vươn lên làm giàu cho nhiều thanh niên ở địa phương.
Đình Giang
Nguồn: Báo Thanh Hóa