Tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi còn thấp

(Người Chăn Nuôi) – Kết quả kiểm tra của đoàn công tác do Cục Thú y thành lập tại các địa phương cho thấy, một trong các nguyên nhân khiến bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát, lây lan là do tỷ lệ tiêm vaccine trên đàn heo nuôi vẫn còn rất thấp. 

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi tái bùng phát và lan rộng tại nhiều địa phương với số lượng heo tiêu hủy ở mức lớn, ngày 21/6, Bộ NN&PTNT đã ban hành một loạt công văn yêu cầu các tỉnh Hòa Bình, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Nam… tăng cường công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp ở trên 90% địa phương cấp xã của tất cả 8/8 địa bàn cấp huyện của tỉnh Bắc Kạn, buộc tiêu hủy gần 10.000 con heo, chiếm hơn 40% số heo bị tiêu hủy do bệnh của cả nước.

tiêm vắc xin cho heo

Tiêm đầy đủ vaccine sẽ giúp phòng bệnh hiệu quả trên đàn heo, hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh. Ảnh: PV

Tại tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh xảy ra ở gần 50% địa phương cấp xã của 10/11 địa bàn cấp huyện của tỉnh, buộc tiêu hủy gần 4.000 con heo, chiếm gần 17% số heo bị tiêu hủy do dịch bệnh của cả nước.

Còn tại Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh đã bùng phát và lây lan tại 23 địa phương cấp xã của 7/13 địa bàn cấp huyện của tỉnh, buộc tiêu hủy gần 1.600 con heo, chiếm gần 7% số heo bị tiêu hủy do dịch bệnh của cả nước.

Từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra trầm trọng và diễn biến phức tạp ở 18 địa phương cấp xã của 6/11 địa bàn cấp huyện của tỉnh Hòa Bình, buộc tiêu hủy gần 1.300 con heo, chiếm gần 5,5% số heo bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi của cả nước. 

Kết quả kiểm tra thực tế tại các địa phương của Đoàn công tác cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh lây lan diện rộng và nguy cơ tiếp tục diễn biến phức tạp như: Địa phương chưa công bố dịch và tổ chức chống dịch theo đúng quy định; Tình trạng người dân bán chạy heo bệnh, nghi mắc bệnh, người mua heo và phương tiện vận chuyển heo làm dịch bệnh lây lan diện rộng; Hầu hết người chăn nuôi chưa thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và thực hành chăn nuôi an toàn sinh học; Tỷ lệ tiêm vaccine tại nhiều tỉnh còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu về công tác phòng dịch; Không báo cáo hoặc chậm báo cáo dịch bệnh. Bên cạnh đó, hệ thống thú y từ cấp tỉnh đến cấp xã đều rất thiếu, yếu, chưa tham mưu kịp thời các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh…

Từ tình hình thực tế đó, Bộ NN&PTNT đề nghị lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn trực tiếp chỉ đạo các Sở, ban ngành, chính quyền các cấp của địa phương chấn chỉnh, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng, triển khai ngay các biện pháp chống dịch sau đây:

Công bố dịch và tổ chức phòng, chống dịch theo đúng quy định; yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để dịch lây lan do lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch tại địa bàn.

Tập trung nguồn lực của địa phương, kịp thời hỗ trợ, bố trí kinh phí cho chính quyền cấp xã tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch tả heo châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do bệnh dịch; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,…); kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo đúng quy định các trường hợp buôn bán, bán chạy, vận chuyển heo bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác heo chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và xung quanh; yêu cầu và có biện pháp bảo đảm chủ hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh phải thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh.

Rà soát, yêu cầu lực lượng tham gia chống dịch áp dụng nghiêm các biện pháp bảo hộ cá nhân, vệ sinh, sát trùng, tiêu độc để không làm lây lan dịch bệnh trong quá trình xử lý, vận chuyển, tiêu hủy heo bệnh; có biện pháp xử lý không để các hố chôn lợn bệnh làm phát sinh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại Công văn số 4870/BNN-TY ngày 24/7/2023 về việc sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi và Công văn số 2560/BNN-TY ngày 09/4/2024 về việc tập trung tổ chức tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi…

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *