(Người Chăn Nuôi) – Mỗi năm có hàng triệu con gia súc, gia cầm được nhập lậu vào Việt Nam. Điều này không chỉ khiến cho sản xuất trong nước gặp áp lực lớn mà còn mang theo nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề dịch bệnh. Chưa kể, con giống là yếu tố quan trọng quyết định thành công của vụ nuôi, thế nhưng việc quản lý dường như còn bỏ ngỏ.
Choáng váng vì số lượng
Báo cáo tại một hội nghị hồi đầu năm, đại diện Cục Thú y cho biết, từ đầu năm 2023 đến đầu năm 2024, tại 13 tỉnh có báo cáo đã phát hiện 131 vụ, bắt giữ 159.979 con gia súc, gia cầm, 43.912 quả trứng, 116.183 kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam. Trong đó, tỉnh Lạng Sơn phát hiện 31 vụ với 101.800 con gia cầm giống, 4.000 gia cầm thịt, 8.532 kg/sản phẩm động vật; tỉnh Cao Bằng phát hiện 59 vụ với 39.000 gia cầm giống, 347 gia súc, 16.012 quả trứng giống, 31.351 kg/sản phẩm động vật; tỉnh Long An với 5 vụ, đã tiêu hủy 68 con heo, 26 con bò…
Đầu năm 2024, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cung cấp thêm thông tin cho thấy tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) và Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (tỉnh Nghệ An), ước tính mỗi tuần có khoảng 60.000 con gà đẻ thải loại nhập lậu từ biên giới, tương đương 720 tấn/tháng, trong đó, nhiều gà có nguồn gốc Thái Lan.
Còn đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, có thời điểm, giá heo giống ở Việt Nam cao hơn ở Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, chỉ thấp hơn Philippines và Indonesia. Do đó, có hiện tượng nhập lậu heo từ Thái Lan vào Việt Nam, sau đó tìm cách hợp thức hóa bán kiếm lời.
Những tháng đầu năm 2024, tình trạng nhập lậu con giống gia cầm ngày càng nhiều và số lượng ngày một lớn, nóng nhất là tại tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và bắt giữ nhiều chuyến vận chuyển trứng và con giống gia cầm, số lượng lên tới con số hàng vạn.
Theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam có nhu cầu giống gia cầm trên 1 tỷ con mỗi năm. Giống gia cầm nhập lậu chỉ cần bán bằng với giá trong nước đã cho lãi lớn. Chính vì vậy, nhiều đầu nậu đã bất chấp những hậu quả đưa con giống gia cầm nhập lậu vào trong nước tiêu thụ.
Cơ quan chức năng đã bắt giữ số lượng lớn con giống gia cầm nhập lậu Ảnh: Tổ QLĐB Lộc Bình (Lạng Sơn)
Kiểm soát gặp khó?
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, vấn nạn nhập lậu gia súc, gia cầm không chỉ dừng ở nông dân, mà còn ảnh hưởng tới cả ngành chăn nuôi nói chung. Con giống nhập lậu vào trong nước sẽ thiếu đi những giấy tờ cần thiết, tuy nhiên, vì sao lại có nhiều chuyến hàng đi trót lọt, sản phẩm vào tận các chợ gia cầm tại nhiều tỉnh, thành phố?
Trả lời cho vấn đề này, chia sẻ của một người trong cuộc cho thấy, lượng giống lớn được vận chuyển đi cả nước nhưng giấy tờ theo quy định thì không có. Tuy nhiên, dù có nghi ngờ xe vận chuyển trên đường nhưng việc chỉ có một mình lực lượng thú y thì không thể thực hiện được vì họ không có chức năng dừng xe kiểm tra xử phạt. Đó cũng là lý do mà con giống gia cầm sau khi qua biên giới không khó để tới được địa điểm cần bán.
Nhập lậu gia súc, gia cầm giống khiến việc kiểm soát các loại dịch bệnh trong chăn nuôi, nhất là những loại bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả heo châu Phi… ngày càng khó khăn, gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân và toàn ngành. Không chỉ vậy, tình trạng này gia tăng lại khiến cho thị trường thêm phần nhiễu loạn và lĩnh vực sản xuất con giống trong nước lâm cảnh khó khăn.
Phát biểu tại một hội nghị về chăn nuôi mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nhấn mạnh: Cần làm nghiêm, làm triệt để, thậm chí xử lý hình sự các đối tượng tiếp tay buôn bán gia súc, gia cầm nhập lậu. Nông dân và doanh nghiệp cần được bảo vệ theo đúng quy định pháp luật.
Những chỉ đạo khẩn cấp
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm giống vào trong nước, liên tiếp trong những tháng đầu năm 2024, Bộ NN&PTNT đã ra nhiều văn bản “nóng” chỉ đạo các tỉnh, thành phố, các đơn vị liên quan để triệt để ngăn chặn.
Ngày 26/2, Bộ NN&PTNT có Công điện khẩn số 1030/CĐ-BNN-TY về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Công điện nhấn mạnh: UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng công an, biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; Quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường. Cùng đó, các địa phương báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh qua hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến; tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh…
Ngày 27/3/2024, Bộ NN&PTNT có Công điện gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền các cấp của địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các địa bàn giáp ranh với các tỉnh có đường bộ, đường sông. Trường hợp bắt được các lô hàng gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay.
Cùng đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng công an, lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
Ngày 27/5, Bộ NN&PTNT có văn bản đề nghị UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai chỉ đạo ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo đó, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn trường hợp vận chuyển trái phép, nhập lậu giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi qua biên giới vào Việt Nam, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, kiến nghị cơ quan thẩm quyền về trường hợp vi phạm cần xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Bộ cũng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi trên địa bàn; lập kế hoạch, bố trí kinh phí, tổ chức kiểm tra, thanh tra về sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định; chỉ đạo lực lượng công an chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm yêu cầu đối với giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi lưu thông trên thị trường theo quy định…
Giải pháp “trị” tận gốc
Hiện nay, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, mỗi ngày có hàng vạn con gia cầm được nhập lậu vào Việt Nam. Theo cơ quan quản lý, đây là nguyên nhân dẫn đến các chủng virus cúm gia cầm và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm, sức khỏe người dân, gây bức xúc trong xã hội. Đồng thời, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư phát triển chăn nuôi trong nước.
Tại cuộc họp về vấn đề này mới đây, ông Nguyễn Trường Sơn, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, khẳng định, trách nhiệm phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm trong ngành nông nghiệp trước hết thuộc về Cục Chăn nuôi. Buôn lậu, gốc rễ nguyên nhân là do chênh lệch giá cả. Còn việc bày bán công khai là trách nhiệm của Sở NN&PTNT từng địa phương.
Để ngăn chặn tình trạng này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng địa phương phải tập trung phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm một cách thường xuyên liên tục. “Chi cục Thú y các địa phương phải là nòng cốt để phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và quản lý thị trường kiểm soát vận chuyển, mua bán giống gia cầm nhập lậu. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành không thể đứng ngoài cuộc”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Tốc độ tăng/giảm số lượng gia súc, gia cầm cuối tháng 5/2024 so với cùng thời điểm năm 2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, thẳng thắn cho biết tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp từ nhiều năm nay, nhất là những lúc chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và ngước ngoài. Do đó, việc phòng chống buôn lậu phải làm thường xuyên, liên tục chứ không chỉ làm từng đợt cao điểm.
Còn ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, kiến nghị cần cấm nhập khẩu tiểu ngạch. Ông Dương cũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh chăn nuôi tăng trưởng từ 3 – 5%, trong khi đó dân số không tăng thì thực phẩm không sợ thiếu. Đây là những nút thắt cần tháo gỡ về cả trước mắt và lâu dài cho ngành chăn nuôi, nếu không Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi”.
Hiện nay, ở nước ta, mật độ vật nuôi đang ở mức cao nhất thế giới, dẫn tới tổng cung vượt cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có các giải pháp kiểm soát nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu thì ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục bấp bênh.
Phan Thảo