(Người Chăn Nuôi) – Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế về chăn nuôi, sản xuất sữa, chế biến thịt và nuôi trồng thủy sản 2024 (ILDEX Việt Nam) diễn ra từ ngày 29 – 31/5/2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Việt Pháp Quốc tế (Viphavet) cùng đối tác chiến lược là Công ty TNHH Thuốc Thú y Boehringer Ingelheim Việt Nam đã tổ chức Hoạt động chia sẻ thường niên về sức khỏe và năng suất gia cầm lần thứ nhất năm 2024.
Toàn cảnh Hội thảo.
Stress nhiệt trên gia cầm
Bác sĩ Thú y Cao Văn Quang, Giám đốc Kỹ thuật khu vực miền Bắc Công ty Viphavet, cho biết: Ngành gia cầm thế giới đang phải đối diện với thách thức chung đó là sự nóng lên của toàn cầu. Qua thống kê cho thấy, nhiệt độ trái đất năm 2023 tăng khoảng 1,36 độ so với mức trung bình thời tiền công nghiệp cuối thế kỷ 19. Trong đó, 10 năm gần đây nhiệt độ cũng được đánh giá là nóng nhất. Mùa hè năm nay có thể nắng nóng gay gắt, khả năng xuất hiện nhiệt độ cao kỷ lục.
Bác sĩ thú y Cao Văn Quang, Giám đốc Kỹ thuật khu vực miền Bắc Công ty TNHH Việt Pháp Quốc tế (Viphavet). Ảnh: Công ty Viphavet.
Nắng nóng là một trong các nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng stress nhiệt trên gia cầm khiến vật nuôi không tự điều hòa được nhiệt của cơ thể. Trong đó, một số yếu tố làm gia tăng stress nhiệt bao gồm: khí hậu chuồng nuôi, giống, tốc độ trao đổi chất, tiêu thụ thức ăn, quản lý chuồng trại. Do vậy, mỗi giai đoạn phát triển của gia cầm lại cần duy trì nhiệt độ và độ ẩm phù hợp.
Bác sĩ Cao Văn Quang cũng chỉ ra một số biểu hiện khi gia cầm bị stress nhiệt như: há miệng, nhịp thở tăng, nhiệt độ cơ thể tăng… làm cho gia cầm giảm ăn, thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, ảnh hưởng đến sức đề kháng và tăng trưởng của gia cầm thịt, giảm năng suất, kích thước, chất lượng trứng và tỷ lệ nở của gà đẻ, tăng nguy cơ mắc bệnh trên gia cầm.
Từ những ảnh hưởng nêu trên, Bác sĩ Quang nêu một số giải pháp giúp kiểm soát tình trạng stress nhiệt trên gia cầm đó là đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm chuồng nuôi, thoáng khí, mật độ đàn phù hợp, tiêm chủng vaccine đầy đủ, bổ sung các dinh dưỡng thông qua khẩu phần ăn, nước uống. Trong đó, bác sĩ Cao Văn Quang nhấn mạnh giải pháp dinh dưỡng có thể giúp gia cầm đối phó với stress nhiệt, chiến lược này nhắm đến hai mục tiêu. Thứ nhất giảm sinh nhiệt do khẩu phần bằng cách chọn các chất dinh dưỡng có mức tăng nhiệt thấp. Thứ hai, để cung cấp cho gia cầm các chất dinh dưỡng có hoạt tính sinh học cụ thể giúp điều chỉnh các rối loạn chức năng sinh lý liên quan đến stress nhiệt.
Nắng nóng kéo dài đang ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi, gây ra stress nhiệt, làm giảm hiệu suất sản xuất của người chăn nuôi. Thấu hiểu được điều đó, Công ty TNHH Việt Pháp Quốc tế (Viphavet) đã đưa ra những giải pháp thiết thực giúp người chăn nuôi vượt qua tình trạng này, đó là sử dụng kết hợp 2 sản phẩm Sealyt Spark và Vitalsea. Trong đó, Sealyt Spark giúp tăng cường tiết chất nhầy để bảo vệ tính nguyên vẹn của đường ruột từ tác dụng của MSP mucin, tái lập trạng thái cân bằng nội môi và cung cấp năng lượng từ hai loại đường (glucose và lactose), Vitamin C và 5 loại điện giải. Vitalsea giúp phục hồi niêm mạc ruột bị tổn thương, cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột do tác dụng của hỗn hợp acid hữu cơ và dịch chiết nấm men. Khả năng tăng cường chức năng gan để giải độc đến từ MSP lipid – một loại dịch chiết từ tảo biển.
Đơn giản hóa chương trình vaccine, giảm stress trên gia cầm
Cũng liên quan đến vấn đề stress trên gia cầm, trong khuôn khổ Hội thảo, Bác sĩ thú y Đỗ Duy Hòa, Giám đốc Kỹ thuật toàn quốc Công ty Boehringer Ingelheim Việt Nam, đã đưa ra những giải pháp nhằm “Đơn giản hóa chương trình vaccine tại trang trại, giúp hạn chế stress cho gia cầm”. Trước hết, bác sĩ Hòa làm rõ khái niệm stress trên gia cầm. Đó là toàn bộ phản ứng sinh học đối với một kích thích bên trong hoặc bên ngoài ảnh hưởng đến cân bằng nội môi của gia cầm dưới dạng thay đổi về giải phẫu, sinh lý và hành vi.
Ông Đỗ Duy Hòa, Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH Boehringer Ingelheim Việt Nam. Ảnh: Công ty Viphavet
Trong khi các stress ngắn hạn không tạo ra hậu quả đáng kể, stress lâu dài có thể gây ra một loạt các tác động bất lợi cho chăn nuôi gia cầm. Hiểu và kiểm soát stress trên gia cầm rất quan trọng, góp phần tăng năng suất và phúc lợi động vật.
Hiểu rõ những bất lợi từ stress, Công ty Boehringer Ingelheim Việt Nam đã cung cấp giải pháp đơn giản hóa chương trình vaccine phòng bệnh với sự cân bằng an toàn và hiệu quả, giúp giảm stress, tối ưu tiềm năng sản xuất của vật nuôi thông qua 3 công nghệ cốt lõi.
Công nghệ vaccine vector có thể áp dụng tại nhà máy ấp, giúp phòng được nhiều loại bệnh trong cùng 1 mũi tiêm, đơn giản hóa chương trình tại trang trại, dòng vaccine này cực kỳ an toàn cho môi trường, không gây suy giảm miễn dịch.
Công nghệ viên sủi NeO, đơn giản hóa quá trình vận chuyển, sử dụng tiết kiệm và giảm sai sót khi chủng ngừa. Công nghệ ST6 ở dòng vaccine Gallimune giúp liều tiêm cô đặc 0,3 ml/gà, chất bổ trợ và công nghệ ST6 giúp giảm áp xe, viêm quá mức khi tiêm, miễn dịch kéo dài.
Hoạt động chia sẻ thường niên về sức khỏe và năng suất gia cầm lần thứ nhất năm 2024 do Công ty TNHH Thuốc Thú y Boehringer Ingelheim Việt Nam và nhà phân phối chiến lược Công ty TNHH Việt Pháp Quốc tế (Viphavet) phối hợp tổ chức đã thành công tốt đẹp, qua đó làm rõ hơn những ảnh hưởng của stress và stress nhiệt trên gia cầm. Từ đó định hướng những giải pháp tối ưu thông qua dinh dưỡng và chủng ngừa vaccine một cách hiệu quả.
Các khách mời tham chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc chương trình. Ảnh: Công ty Viphavet
Tại sự kiện ILDEX Vietnam 2024, Công ty TNHH Việt Pháp Quốc tế (Viphavet) góp mặt với gian hàng được thiết kế vô cùng độc đáo, ấn tượng, trưng bày nhiều sản phẩm, dịch vụ của Công ty, thu hút đông đảo du khách tới tham quan và tìm hiểu.
Gian hàng Công ty TNHH Việt Pháp Quốc tế tại sự kiện ILDEX. Ảnh: Công ty Viphavet
Thùy Khánh