Đại dịch Covid-19 giúp anh Nguyễn Ngọc Hưởng (SN 1989, ngụ ấp 3, xã An Thạnh) có nhiều thời gian suy nghĩ và thực hiện mô hình nuôi hươu lấy nhung đầu tiên tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đến nay, trang trại Nguyễn Huỳnh Long An của anh có gần 30 con hươu, trong đó 17 con đang cho nhung.
Anh Nguyễn Ngọc Hưởng (ấp 3, xã An Thạnh, huyện Bến Lức) chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi hươu sao với người dân
Ban đầu, anh cùng người bạn thân Huỳnh Anh Tuấn đầu tư 140 triệu đồng để mua 4 con giống cùng nhiều chi phí khác nhưng do thiếu kinh nghiệm nên 1 con bị chết, số hươu còn lại cũng yếu sức, có nguy cơ mất trắng. Không nản lòng, 2 anh lặn lội ra tận tỉnh Hà Tĩnh – nơi được mệnh danh là “thủ phủ” hươu sao, để học hỏi kinh nghiệm. Hơn 1 tháng tại đây, 2 anh được người dân tận tình chia sẻ nhiều kiến thức, kỹ thuật nuôi hươu lấy nhung.
Hươu là loài dễ nuôi, sức đề kháng mạnh, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng miền Nam. Theo anh Hưởng, người nuôi cần biết rõ tập tính của hươu để có cách chăm sóc phù hợp. Ngoài những thức ăn xanh như rau, củ,…, người nuôi cần bổ sung thức ăn tinh cho hươu với số lượng vừa phải, 6 tháng tẩy giun 1 lần. Hươu không có túi mật, khả năng thải độc kém nên thức ăn cho hươu không được có chất tăng trưởng vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nhung. Hươu đực trong thời kỳ cho nhung phải nhốt riêng để tránh tình trạng hươu húc nhau làm gãy nhung. Sau khi thu hoạch nhung, chỉ cần lấy lá chuối khô đốt thành tro rồi thoa lên vết thương, sau đó buộc lại.
Khi hươu từ 3 – 6 năm tuổi là “thời điểm vàng” để khai thác nhung. Tùy thể trạng và cách chăm sóc, có con cho nhung đến 18 năm. Cứ mỗi 2 năm sẽ thu hoạch nhung 3 lần, mỗi lần trung bình 600 – 800 g. Giá thị trường khoảng 15 triệu đồng/kg. Với giá bán này, sau 2 năm, người nuôi có thể thu hồi vốn. Trong vòng đời, mỗi con hươu cái sinh từ 12 – 15 con. Trong quá trình nuôi, anh Hưởng cho hươu nghe nhạc thiền, nhạc không lời. Điều này nhằm giúp hươu bớt hiếu động, giảm tập tính hoang dã và chất lượng nhung tốt hơn.
Hiện tại, ngoài bán nhung hươu tươi và con giống, trang trại của anh Hưởng còn sản xuất thử nghiệm các sản phẩm như nhung hươu ngâm mật ong, bột nhung hươu, nhung hươu ngâm rượu,… Anh Hưởng cho biết: “Chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục để đủ giấy phép thương mại các sản phẩm từ nhung hươu. Trang trại Nguyễn Huỳnh Long An hướng đến các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên”.
Nhận thấy mô hình nuôi hươu lấy nhung của anh Hưởng hiệu quả, triển vọng, nhiều nông dân huyện Bến Lức, Tân Trụ, Thủ Thừa và các tỉnh như Bến Tre, Sóc Trăng đã đến tham quan, mua con giống, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi. Ngày 10/5/2024, trang trại Nguyễn Huỳnh Long An kết hợp Hội Nông dân huyện Bến Lức tổ chức hội thảo hướng dẫn kỹ thuật nuôi hươu lấy nhung cho người dân. Anh Hưởng bộc bạch: “Chúng tôi muốn nhân rộng mô hình này, liên kết các hộ chăn nuôi với nhau để thương mại hóa sản phẩm. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết để người nuôi đạt hiệu quả cao nhất”.
Được biết, sắp tới anh Hưởng sẽ phát triển mô hình VAC trên trang trại 7.000 m2 của mình; đồng thời, tận dụng chất thải của hươu sản xuất phân bón hữu cơ sạch.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thạnh – Lê Minh Dũng, nuôi hươu lấy nhung là mô hình mới tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sắp tới, Hội sẽ kết hợp trang trại Nguyễn Huỳnh Long An tổ chức thêm nhiều buổi chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cho người dân, nhằm phát triển kinh tế địa phương./.
Châu Thanh
Nguồn: Báo Long An