Nhiều khả năng virus cúm gia cầm đã lây lan ở bò sữa 4 tháng trước khi giới chức Mỹ phát hiện và xác nhận loại virus này là chủng H5N1 độc lực cao. Đây là thông tin được nêu trong bản phân tích mới nhất về dữ liệu di truyền do Trung tâm dịch bệnh động vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thực hiện và công bố gần đây.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những gia súc mắc bệnh không có mối liên hệ rõ ràng, chứng tỏ vẫn còn những đàn bò nhiễm virus chưa được phát hiện. Điều này càng củng cố bằng chứng cho thấy virus H5N1 đã xuất hiện trong ngành sản xuất sữa tại Mỹ nhiều tháng trước khi nhà chức trách và các nhà khoa học để ý đến sự bùng phát của virus này.
Bò sữa được nuôi tại trang trại ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Nghiên cứu của USDA tiếp nối một phân tích tương tự do một nhóm quốc tế gồm khoảng 20 chuyên gia về tiến hóa và nhà sinh học phân tử tiến hành trước đó. Nhóm nghiên cứu độc lập này đã nhanh chóng phân tích trình tự bộ gene thô do Chính phủ Mỹ tải lên cơ sở dữ liệu của Thư viện Y khoa Quốc gia. Mặc dù không có đủ thông tin cơ bản về các mẫu phẩm đó, song nhóm quốc tế đã đưa ra kết luận gần giống với kết luận của USDA rằng: virus H5N1 đã lây truyền từ chim hoang dã sang bò trong khoảng thời gian từ giữa tháng 11/2023 đến giữa tháng 1/2024. Điều này có nghĩa là virus này đã lây lan trong nhiều tháng trước khi bị phát hiện.
Theo nghiên cứu, các bác sĩ thú y đã nhận thấy dấu hiệu kém ăn ở một số con bò cùng với sự thay đổi về sản lượng và chất lượng sữa vào cuối tháng 1. Vào ngày 25/3 vừa qua, USDA chính thức xác nhận sự xuất hiện của virus H5N1 ở bò sữa tại bang Texas. Kể từ đó, giới chức Mỹ đã ghi nhận ít nhất 30 đàn bò tại 9 bang nước này bị nhiễm virus và ít nhất 1 công nhân chăn nuôi vốn từng tiếp xúc với bò mắc bệnh, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1. Các mẫu phẩm thu thập được từ ngày 7/3 đến ngày 8/4 cho thấy sự giống nhau về virus H5N1 ở 26 đàn gia súc tại 8 bang và 6 đàn gia cầm ở 3 bang. Điều này cho thấy virus H5N1 đã lây truyền trong một đợt lây lan duy nhất giữa chim hoang dã và bò.
Bên cạnh đó, nghiên cứu mới còn tìm thấy bằng chứng cho thấy đàn gia súc mắc bệnh đã lây truyền virus H5N1 cho đàn gia cầm thông qua “nhiều đường lây truyền”. Theo các nhà nghiên cứu, loại virus liên quan đến đợt bùng phát hiện nay đã lây nhiễm sang một loài động vật hoang dã, đó là gấu mèo, và những con mèo sống gần những con bò nhiễm virus trong trang trại bò sữa. Đáng chú ý, trình tự gene virus ở công nhân chăn nuôi bị bệnh có những điểm khác biệt với bộ gene virus ở bò mắc bệnh. Các nhà khoa học của USDA kết luận rằng sự khác biệt có thể là do họ đã thiếu mẫu phẩm từ động vật mà người này đã tiếp xúc với hoặc có thể là do sự tiến hóa của virus từ vật chủ này sang vật chủ khác.
Kể từ năm 2022, virus H5N1 đã gây thiệt hại nặng nề đối với chim hoang dã và gia cầm tại Mỹ, đồng thời khiến ngày càng nhiều động vật có vú mắc bệnh. Tiến sĩ Michael Worobey, Trưởng Khoa Sinh thái và Sinh học Tiến hóa tại Đại học Arizona, nhận định nghiên cứu mới cho thấy mức độ lây nhiễm sâu rộng của virus H5N1 ở bò sữa tại Mỹ và rất có thể giới chức trách Mỹ mất nhiều thời gian để đối phó với vấn đề này. Ông cho rằng mặc dù không có gì chắc chắn rằng loại virus này sẽ biến đổi để có thể gây ra một đại dịch cho con người, song việc để một loại virus tồn tại trong các loài vật nuôi sẽ gây nguy hiểm cho con người.
Thanh Hương