(Người Chăn Nuôi) – Sáng 2/5 tại tỉnh Bắc Ninh, đã diễn ra buổi lễ xuất khẩu lô thuốc kháng sinh và thuốc sát trùng mang thương hiệu Sakan với tổng giá trị trên 200.000 USD sang thị trường Indonesia.
Các sản phẩm này do Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group chịu trách nhiệm sản xuất và phân phối. Lô hàng xuất khẩu này gồm thuốc kháng sinh và thuốc sát trùng mang thương hiệu Sakan với tổng giá trị trên 200.000 USD. Đây là các sản phẩm được Bộ NN&PTNT cấp chứng chỉ WHO – GMP/GLP/GSP (Thực hành tốt sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới) cho 2 nhà máy NonBetalactam và Betalactam với 5 dây chuyền gồm: Thuốc bột, thuốc tiêm, thuốc uống, cốm và hỗn dịch tiêm. Sakan đang sở hữu phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017.
Việt Nam chính thức xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Halal. Ảnh: Hải Hồ.
Sự kiện lần này đánh dấu bước phát triển mới trong việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thuốc thú y của Việt Nam theo công nghệ hiện đại, đáp ứng được các tiêu chuẩn và điều kiện của thị trường thế giới, nhất là với thị trường có yêu cầu rất khắt khe như Halal. Cũng tại buổi lễ, 3 doanh nghiệp gồm Visakan (Sakan), PT. Ekasapta Wijayatangguh (Indonesia) và De Heus Indonesia đã ký Biên bản ghi nhớ về chương trình hợp tác (MoU) liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm thuốc thú y, thuốc sát trùng tại Indonesia.
Theo báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu, ước tính chi tiêu cho thực phẩm Halal đang tăng nhanh. Nếu như năm 2020 là 1.400 tỷ USD thì dự kiến năm 2030 sẽ tăng lên 1.900 tỷ USD và gần 5.000 tỷ USD vào năm 2050. Châu Á có khoảng 62% dân số Hồi giáo của thế giới sinh sống. Do vậy, đây là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam với lợi thế sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào có thể khai thác. Tuy nhiên, đây lại là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới, bởi nếu muốn đưa hàng hóa vào thị trường này, doanh nghiệp cần phải đạt chuẩn Halal. Xuất phát từ những khó khăn và quy định ngặt nghèo của tiêu chuẩn Halal đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật. Hiện nay, các sản phẩm Halal của Việt Nam xuất khẩu còn hạn chế, tập trung phần lớn là nông sản và nguyên liệu đầu vào cho một số ngành như nước giải khát.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Số lượng thuốc thú y của Việt Nam xuất khẩu có chiều hướng gia tăng, trung bình hằng năm xuất khẩu trên 22 triệu USD. Hiện nước ta có 90 cơ sở sản xuất thuốc thú y dạng dược phẩm, vaccine được cấp giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) theo nguyên tắc, quy định của Tổ chức Y tế Thế giới. Tổng số sản phẩm thuốc thú y sản xuất đăng ký lưu hành tại Việt Nam là hơn 13.000 sản phẩm và hơn 200 sản phẩm vaccine thú y đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu phòng, trị các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản trong nước.
“Gần 2.000 loại thuốc thú y của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là một trong những thành tựu nổi bật nhất của ngành thú y Việt Nam”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Minh Khuê