Thời gian qua, giá bán trâu, bò trên cả nước nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng liên tục giảm mạnh dẫn đến người chăn nuôi gặp khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tổng đàn trâu, bò giảm mạnh.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), khoảng 3 năm trở lại đây, quy mô tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm dần. Nguyên nhân do hiệu quả kinh tế mang lại không cao, diện tích chăn thả bị thu hẹp, nhu cầu sử dụng sức kéo giảm. Các sản phẩm thịt gia súc cùng loại được nhập khẩu về có giá rẻ hơn nên ảnh hưởng đến mức tăng tổng đàn gia súc.
Bò được chăn thả trên cánh đồng thuộc xã Yên Sơn (Lục Nam).
Lý do giá trâu, bò giảm là do nhu cầu tiêu thụ trong nước chậm, nguồn cung dồi dào, trong khi việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê, đến nay, tổng đàn trâu toàn tỉnh ước đạt hơn 27,6 nghìn con, giảm 33,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng đàn bò ước đạt 102,6 nghìn con, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Người dân xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) tận dụng khu đất trống để chăn thả trâu.
Gia đình anh Trần Văn Phan, hộ chăn nuôi bò tại tổ dân phố Phấn Lôi, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) trước đây thường xuyên nuôi hơn 50 con bò nái sinh sản và bò thương phẩm. Gần 3 năm nay, do giá bò xuống thấp và chưa có dấu hiệu tăng trở lại nên tháng trước, anh Phan quyết định bán toàn bộ số bò trên.
“Nếu như lúc cao điểm khoảng 3 năm về trước chúng tôi vẫn bán với giá từ 95 đến 100 nghìn đồng/kg bò hơi thì nay chỉ còn 70 nghìn đồng/kg. Một con bò đực trước đây bán được 27- 30 triệu đồng thì nay chỉ khoảng 15 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng. Với giá bán như hiện nay, việc chăn nuôi bò không có lãi, thậm chí có thời điểm bị lỗ”, anh Phan cho biết.
Tương tự, theo phản ánh của người dân, giá trâu hơi hiện nay giảm xuống còn 60 nghìn đồng/kg (giảm 40 nghìn đồng/kg so với năm 2021). Vì thế. nhiều hộ không còn mặn mà với việc chăn nuôi đại gia súc. Không ít gia đình đang “treo chuồng” chờ thị trường phục hồi. Một số hộ khác chuyển đổi sang chăn nuôi ngựa, dê, gia cầm…
Theo đại diện HTX Dịch vụ tổng hợp và sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng (Yên Dũng), nếu như năm 2021 trở về trước, HTX chăn nuôi khoảng 400 con trâu thì nay đã giảm đàn xuống còn 40 con.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người chăn nuôi trâu, bò tiếp tục theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, thực hiện các biện pháp để ổn định sản xuất, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng hướng dẫn người dân thực hiện tốt những biện pháp phòng, chống dịch bệnh; khuyến khích và hỗ trợ bà con thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. Tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô, đậu, lạc… để ủ lên men; mở rộng diện tích trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi để giảm bớt chi phí.
Tin, ảnh: Nguyễn Hưởng
Nguồn: Báo Bắc Giang