(Người Chăn Nuôi) – Cả nước hiện có hơn 1.000 hợp tác xã/tổ hợp tác chăn nuôi. Theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018, ngày 1/1/2025 sẽ là hạn chót để các cơ sở chăn nuôi hoàn thành việc di dời ra khỏi những khu vực không được phép chăn nuôi. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện quy định này tại các hợp tác xã (HTX) còn gặp nhiều khó khăn.
Vẫn nhiều bất cập
Thực tế, việc di dời trang trại, cơ sở chăn nuôi ra ngoài khu dân cư là vấn đề không hề đơn giản đối với các HTX bởi điều này liên quan đến rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là quỹ đất và vốn đầu tư.
Theo tiêu chuẩn chuồng trại trong chăn nuôi, mỗi con heo nái hậu bị cần 2 – 3 m2; heo đang mang thai cần 6 m2, heo nái nuôi con cần 8 – 10 m2. Chi phí đầu tư chuồng trại trong chăn nuôi heo thịt bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm là khoảng 16 – 20 triệu đồng/con. Như vậy, để đầu tư một mô hình chăn nuôi heo theo hướng hàng hóa cần diện tích đất và nguồn vốn không nhỏ. Đó là chưa tính đến chăn nuôi gia súc, chi phí đầu tư và diện tích đất cần lớn hơn nhiều. Với nguồn đầu tư lớn, HTX phải mất vài năm chăn nuôi thuận lợi mới có thể thu hồi vốn. Hơn nữa, hiện nay, nhiều địa phương vẫn chưa chú trọng bố trí quỹ đất dành riêng cho chăn nuôi.
Không chỉ vậy, trong 3 năm qua, việc sản xuất kinh doanh của các HTX chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá cả đi xuống, thị trường khó khăn, phải cạnh tranh với thịt ngoại nhập khẩu ồ ạt. Chính vì vậy mà nhiều HTX rơi vào cảnh nguồn lực cạn kiệt, trong khi việc di dời, chuyển trang trại ra khu vực mới cần một nguồn vốn phù hợp để đầu tư đồng bộ, vừa mang lại hiệu quả về kinh tế, đồng thời đảm bảo vấn đề môi trường.
Đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ: Khi tham gia HTX, các xã viên đều phải đầu tư số vốn rất lớn vào trang trại chăn nuôi và mất nhiều thời gian để làm thủ tục, trong khi các trang trại hiện nay phần lớn là đầu tư ở các khu đất xa nơi sinh sống của người dân. Chính vì thế, việc bắt buộc phải di dời các trang trại sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung, làm đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm. Ngoài ra, người chăn nuôi phải vay vốn ngân hàng nên trong thời gian di dời sẽ không có nguồn thu để trả ngân hàng. Hơn nữa, khi các trang trại chăn nuôi chuyển đi mà chưa tìm được nhà đầu tư thì đất bỏ hoang cũng rất lãng phí.
Cần có lộ trình phù hợp để HTX yên tâm di dời trang trại chăn nuôi ra ngoài khu dân cư. Ảnh: ST
Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Đinh Thị Hằng, Giám đốc HTX Hà Anh (Bắc Kạn), cho biết: Thông thường người dân phải đầu tư số tiền khá lớn để xây dựng trang trại chăn nuôi, làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận chăn nuôi. Thậm chí nhiều thành viên, HTX phải đứng ra vay ngân hàng mới có vốn đầu tư, nếu di dời chắc chắn sẽ mất một thời gian và trong khoảng thời gian đó, hoạt động chăn nuôi sẽ bị gián đoạn, làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng.
Tìm hướng tháo gỡ
Đại diện một số HTX cho biết, họ ủng hộ chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc di dời cơ sở chăn nuôi, nhằm phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với xu thế thời đại. Tuy nhiên, để làm được điều đó các HTX cho rằng cần có cơ chế, chính sách rõ ràng, nhất là về quỹ đất. Cùng với đó, cần có một lộ trình cụ thể hơn để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng trong chăn nuôi mà HTX đang là nhân tố quan trọng.
Bàn thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng: Nếu muốn trang trại chăn nuôi di dời ra khỏi khu dân cư thuận lợi, các tỉnh, thành phố cần thành lập các cụm công nghiệp mới, có đất sạch, có cơ sở hạ tầng để HTX, doanh nghiệp chuyển ra. Đồng thời, các cụm công nghiệp phục vụ chăn nuôi mới này phải được xem xét, cân nhắc ở những vị trí phù hợp, thuận lợi cho phát triển để HTX có thể tận dụng nguồn lao động, dễ dàng liên kết với doanh nghiệp. Ngược lại, nếu địa phương bố trí quỹ đất nhưng không hợp lý, có khi việc chuyển ra ngoài khu dân cư lại khiến các trang trại rơi vào bế tắc trong phát triển.
Chi phí đầu tư mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn hiện đại trong HTX thường rất lớn. Ảnh: ST
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, kiến nghị: Ngành chức năng nên xem xét giãn lộ trình thực hiện để các HTX, cơ sở chăn nuôi có thời gian chuẩn bị và thực hiện một cách hiệu quả nếu trong diện phải di chuyển ra ngoài khu dân cư. Ngoài ra, nên xem xét những HTX, mô hình chăn nuôi đã cam kết khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường thì có thể gia hạn thêm thời gian để vừa đảm bảo ổn định sản xuất, vừa đảm bảo giá trị kinh tế của cả HTX, địa phương và Nhà nước.
Việt Nam đã có chiến lược phát triển chăn nuôi hiện đại – công nghiệp và chuyên nghiệp. Vấn đề nằm ở chỗ cách thức tổ chức triển khai thực hiện như thế nào cho hiệu quả. Di dời các HXT chăn nuôi không đơn thuần là chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, mà đây cũng là cơ hội để chính quyền các địa phương xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng để điều chỉnh, tập trung nguồn lực và để bắt đầu hình thành nên ngành chăn nuôi bền vững, qua đó nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi, từ đó mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho người nông dân.
Minh Khuê
(Tổng hợp)