Thời gian gần đây, ngành chức năng và các địa phương ở Gia Lai siết chặt kiểm soát mật độ chăn nuôi nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh.
Tính đến ngày 16-2, trên địa bàn tỉnh có 210 dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với diện tích 9.340,86 ha, tổng vốn đầu tư trên 36.012 tỷ đồng. Hiện đã có 90 dự án được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư với diện tích 2.570 ha, tổng vốn đăng ký trên 14.192 tỷ đồng; 120 dự án đang xin chủ trương chấp thuận đầu tư với diện tích 6.771 ha, tổng vốn đăng ký 21.821 tỷ đồng, quy mô dự án trên 61 ngàn con bò thịt và trên 2 triệu con heo.
Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 640 trang trại chăn nuôi, trong đó có 152 trang trại nuôi bò với số lượng trên 79 ngàn con, 358 trang trại nuôi heo với số lượng trên 596 ngàn con, 152 trang trại nuôi gia cầm. Trong đó, chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, trang trại chiếm 36,03%. Đồng thời, có 6 chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp với người chăn nuôi với 180 trang trại.
Trang trại chăn nuôi bò tại xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang. Ảnh: N.D
Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND ngày 15-2-2022 của UBND tỉnh quy định mật độ chăn nuôi giai đoạn 2022-2030 không vượt quá 1,0 đơn vị vật nuôi (ĐVN)/ha đất nông nghiệp. Hiện nay, mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là 0,326 ĐVN/ha. Có 90 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, dự kiến nếu đi vào hoạt động thì mật độ chăn nuôi là 0,589 ĐVN/ha, còn 120 dự án đang xin chủ trương chấp thuận đầu tư, dự kiến nếu đi vào hoạt động thì mật độ chăn nuôi là 1,0 ĐVN/ha.
Nếu 210 dự án chăn nuôi này cùng đi vào hoạt động thì mật độ chăn nuôi tại 8 địa phương còn ở ngưỡng cho phép theo Quyết định số 05 của UBND tỉnh gồm: thị xã Ayun Pa, các huyện: Chư Păh, Đak Đoa, Đức Cơ, Ia Grai, Kbang, Chư Sê, Mang Yang; 5 địa phương hết ngưỡng gồm: thị xã An Khê và các huyện: Kông Chro, Đak Pơ, Krông Pa, Chư Prông; 4 địa phương vượt ngưỡng cho phép gồm: TP. Pleiku và các huyện: Ia Pa, Phú Thiện, Chư Pưh.
Thời gian qua, một số dự án chăn nuôi khi đi vào hoạt động đã phát sinh ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh. Năm 2023, 3 dự án tại xã Ia Piơr (huyện Chư Prông) đi vào hoạt động nhưng gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 3 chủ trang trại chăn nuôi heo gần 1 tỷ đồng.
Ông Lê Tấn Hiếu-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prông-chia sẻ: Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đơn vị chủ động phối hợp với cơ quan chức năng và các xã kiểm soát chặt chẽ những trang trại chăn nuôi đã đầu tư đi vào hoạt động nhằm không phải giải quyết các hậu quả phát sinh ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện thì cho hay: Huyện có 5 dự án chăn nuôi tập trung đi vào hoạt động và chưa gây ô nhiễm môi trường. Tuy mật độ chăn nuôi vừa đạt ngưỡng 1,0 ĐVN/ha theo Quyết định số 05, nhưng để khai thác hiệu quả diện tích đất bạc màu, cách xa khu dân cư, huyện cũng như một số nhà đầu tư đã khảo sát và mong muốn cấp có thẩm quyền tăng thêm mật độ chăn nuôi theo hướng công nghệ cao. Đồng thời, khi các dự án đi vào hoạt động, địa phương cam kết đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh nêu quan điểm: Các dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi phải cách xa khu dân cư từ 2 km trở lên nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường sống của người dân xung quanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tư trang trại chăn nuôi cần xây dựng hạ tầng giao thông để người dân đi lại thuận lợi. Địa phương không bằng mọi giá phát triển chăn nuôi mà ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Nếu doanh nghiệp không làm đúng theo chủ trương, quy định của Nhà nước thì kiên quyết báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi trong phát triển nông nghiệp.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục kiểm soát chặt chẽ mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị các địa phương, doanh nghiệp chăn nuôi thực hiện nghiêm Quyết định số 05 của UBND tỉnh.
Thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các chủ dự án chăn nuôi chấp hành tốt về cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và điều kiện chăn nuôi phù hợp. Đặc biệt, phải chấp hành đúng định mức quy định về môi trường để không ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh.
Nguyễn Diệp
Nguồn: Báo Gia Lai