Cần sớm triển khai xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

(Người Chăn Nuôi) – Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị triển khai bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh với bệnh lở mồm long móng giữa Việt Nam và Trung Quốc tổ chức ngày 1/3/2024 tại tỉnh Lào Cai.

Theo báo cáo của Cục Thú y, hiện cả nước đã có 18 huyện an toàn dịch bệnh nhưng chủ yếu tập trung vào 10 tỉnh Đông Nam Bộ, có mấy nghìn cơ sở an toàn dịch bệnh nhưng chưa có vùng, cơ sở nào đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới nên sẽ phải nâng cấp để đạt thì mới đàm phán, xuất khẩu được.

an toàn dịch bệnh

Hội nghị triển khai bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại Lào Cai. Ảnh: Bình Châu.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai, cho biết: Tỉnh có hơn 182 km đường biên giới với 5/9 huyện, thành phố có đường biên giới với Trung Quốc. Hằng năm, lượng hàng hóa trung chuyển đến và qua tỉnh lớn, đặc biệt là có tuyến đường giao thông thuận lợi, việc vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật đi qua địa bàn tỉnh dễ dàng, chưa được kiểm soát triệt để. Đây là nguyên nhân khiến dịch bệnh động vật xâm nhập, lây lan. Việc triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu là cơ hội tốt để tỉnh nâng cao nhận thức, chủ động, có nhiều biện pháp phù hợp để phòng, chống dịch bệnh động vật, tiến tới xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. 

Tại Nghệ An, thời gian gần đây không xảy ra bệnh lở mồm long móng do tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí tiêm vaccine, có chương trình giám sát chủ động. Tuy nhiên, tỉnh quyết tâm chỉ đạo, xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng tại các huyện chăn nuôi bò sữa trọng điểm như Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa; vùng chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh tại huyện Quỳ Hợp; vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh tại huyện Nghi Lộc và Diễn Châu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định:  Hiện Việt Nam có nhiều doanh nghiệp đã chăn nuôi theo quy trình khép kín từ giống, thức ăn dinh dưỡng, phòng bệnh an toàn sinh học, giết mổ, chế biến và vận chuyển. Ví dụ, trình độ công nghệ của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Tập đoàn De Heus… không thua kém các nước trên thế giới. Đây là cơ hội để sản phẩm chăn nuôi Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách nhanh nhất.

“Chăn nuôi an toàn sinh học và xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu là biện pháp phòng chống dịch bệnh từ sớm, từ xa để hướng tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học. Muốn vậy, các ngành, địa phương phải có các giải pháp, đề án triển khai thật đồng bộ. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố phải nhận thức đúng về chủ trương, chiến lược, đầu tư đúng mức để xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi trong cơ cấu nền nông nghiệp”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Trung Quốc là thị trường có số lượng dân cư rất đông và nhu cầu thực phẩm lớn. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường giảm sút do có nhiều quy định từ phía Trung Quốc mà Việt Nam chưa đáp ứng được. Bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng là cơ hội Việt Nam có thể xuất khẩu được sản phẩm sang thị trường tỷ dân này.

Minh Khuê 

(Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *