Trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình thế giới và trong nước, năm 2023, ngành chăn nuôi vẫn ghi nhận những bước phát triển đáng kể, tiếp tục là điểm sáng của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, ngành hàng này cũng chứng kiến không ít “nốt trầm”. Cùng Đặc san Người Chăn Nuôi điểm lại những sự kiện nổi bật ngành trong năm qua.
-
Tiếp tục là điểm sáng ngành nông nghiệp
Theo Cục Chăn nuôi, năm 2023, số lượng, quy mô và giá trị các ngành hàng chăn nuôi đều gia tăng. Trong đó, giá trị tăng trưởng chung của ngành ước đạt 5,72%; đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp. Tổng đàn heo, gia cầm tăng ổn định. Đáng chú ý, tổng sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38% so với năm 2022; Sản lượng trứng ước đạt 18,98 tỷ quả, tăng 3,9% và sản lượng sữa tươi ước đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 7,2%.
-
Sản xuất thành công vaccine dịch tả heo châu Phi
Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine phòng dịch tả heo châu Phi. Hiện đã có 2 sản phẩm vaccine là NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận lưu hành. Đây là những vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi thương mại đầu tiên trên thế giới được phép lưu hành. Không chỉ triển khai tiêm phòng diện rộng trên cả nước, đã có các đối tác từ 5 quốc gia Indonesia, Philippines, Malaysia, Myanmar, Ấn Độ ký kết hợp đồng mua vaccine này…
-
Xuất khẩu tiếp tục “bội thu”
Năm 2023, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022; là nhóm lĩnh vực tăng mạnh nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 132 triệu USD, tăng 24,1%; xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 157 triệu USD, tăng 36,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu thịt heo ước đạt gần 63,3 triệu USD, tăng 28%. Sản lượng xuất khẩu thịt gia cầm đã qua giết mổ đạt 4.634 tấn. Đặc biệt, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch lô sản phẩm tổ yến đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.
-
Nhiều quyết sách quan trọng được ban hành
2023 tiếp tục là năm có nhiều quyết sách quan trọng về ngành chăn nuôi được ban hành. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Quyết định lớn gồm: Quyết định 1740/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030; Quyết định 1741/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030; Quyết định 1625/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030. Ba quyết sách này gần như bao trùm các khía cạnh quan trọng của ngành chăn nuôi, đảm bảo đưa ngành hàng này phát triển bền vững và tự chủ.
-
Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi vẫn lớn
Theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi, năm 2023, giá heo hơi không mấy khả quan, có nhiều thời điểm “chạm đáy”. Người chăn nuôi hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ. Cùng đó, giá gà cũng ảm đạm trong thời gian dài, nhất là thời điểm cuối năm.
sd
Trái ngược lại, tình hình nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi vẫn rất “nhộn nhịp”. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2023, nước ta đã chi 2,58 tỷ USD nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, nhập khẩu các loại phụ phẩm heo, bò, trâu tăng đột biến. Chưa kể nước ta chi 6,8 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
-
Nhập lậu gia súc, gia cầm tăng mạnh
9 tháng năm 2023, cơ quan chức năng đã bắt giữ gần 373.000 con gia súc, gia cầm, khoảng 108 tấn sản phẩm chăn nuôi; thu giữ 43.500 quả trứng… Tình trạng nhập lậu năm nào cũng diễn ra, thế nhưng những con số này cũng vẫn gây choáng váng. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước.
Hồng Hà