(Người Chăn Nuôi) – Năm 2023, chăn nuôi đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam. Bước sang năm 2024, mặc dù được dự báo sẽ tiếp tục là một năm với nhiều khó khăn, tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn luôn quyết tâm phấn đấu đạt được những mục tiêu đề ra.
Kết quả đáng khích lệ
Năm 2023, ngành chăn nuôi cơ bản vẫn phát triển ổn định và tăng trưởng tốt; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong nước và một phần dành cho xuất khẩu. Chăn nuôi tiếp tục là trụ cột vững chắc của ngành nông nghiệp.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, sản lượng thịt hơi các loại năm 2023 đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022; trong đó thịt heo hơi trên 4,68 triệu tấn; thịt gia cầm hơi đạt 2,24 triệu tấn. Sản lượng sữa tươi trên 1,2 triệu tấn, tăng 7,2%; trứng 18,98 tỷ quả, tăng 3,9%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 20 triệu tấn, giảm 2,4%. Cả nước hiện có 17 tỉnh, thành phố có mô hình chăn nuôi heo hữu cơ với trên 75.000 con; sản lượng thịt hơi gần 7.000 tấn.
Năm 2024, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 7,89 triệu tấn. Ảnh: ST
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã cơ bản được kiểm soát, giúp chăn nuôi phát triển ổn định. Đặc biệt, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới nghiên cứu, sản xuất thành công và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả heo châu Phi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: Những kết quả đạt được của chăn nuôi trong năm 2023 đến từ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự đoàn kết nhất trí của tập thể lãnh đạo ngành, sự nỗ lực, đồng lòng, chung vai sát cánh của doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân luôn kiên định với những mục tiêu đã đề ra.
Kỳ vọng tăng trưởng
Trong năm 2024, ngành chăn nuôi đặt kỳ vọng giá trị sản xuất tăng khoảng 4,0 – 5,0% so với năm ngoái, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28 – 30%. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 7,89 triệu tấn, tăng 3,8%; sản lượng thịt heo hơi đạt trên 4,87 triệu tấn tăng 4,0%; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 2,31 triệu tấn tăng 3,1%; sản lượng trứng các loại khoảng 19,68 tỷ quả, tăng 3,7%; sản lượng sữa đạt trên 1,28 triệu tấn, tăng 6,7%; sản lượng mật ong là 25.800 tấn tăng 9,8%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 20,5 triệu tấn.
Kiểm tra, đóng gói trứng gà theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu. Ảnh: ST
Để hoàn thành các mục tiêu này, theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Ngành sẽ đẩy mạnh chăn nuôi theo định hướng thị trường; Phát huy thế mạnh của từng vùng, từng vật nuôi chủ lực; nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững; Tăng cường xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi tiềm năng; Đẩy mạnh chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm chủ lực như heo, bò, gia cầm gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu; Tiếp tục mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP. Đồng thời khuyến khích các mô hình liên kết trong chăn nuôi theo hướng sinh thái, xanh, hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức hữu cơ truyền thống.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi, nhằm giảm chi phí sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Cục Chăn nuôi sẽ phối hợp với ngành thú y đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật. Giám sát tồn dư hóa chất, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt, trứng, sữa và mật ong. Đồng thời, chú trọng xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Thùy Khánh