Những năm gần đây, nhiều người kiếm sống bằng nghề nuôi trâu trong hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) lâm vào cảnh điêu đứng, vì giá bán tuột dốc, thị trường tiêu thụ chậm, trong khi thức ăn cho trâu ngày càng khan hiếm và giá mua rơm không ngừng tăng lên.
Trâu xuống giá, thị trường tiêu thụ chậm
Hàng chục năm qua, tận dụng bán ngập rộng mênh mông với cỏ mọc xanh mướt và rong đuôi chồn dưới lòng hồ Dầu Tiếng, người dân địa phương mưu sinh bằng nghề nuôi trâu bán thịt, cung cấp sức kéo, sức cày bừa. Tuy nhiên, khoảng 5 năm gần đây, nghề nuôi trâu trong hồ Dầu Tiếng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức vì tiêu thụ chậm, giá cả thức ăn cho trâu lại tăng.
Ông Đỗ Hiếu Nghĩa, ngụ ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu kể, trước năm 2018, ông vay tiền ngân hàng mua trâu thả trên đất bán ngập hồ Dầu Tiếng. Thấy trâu có giá cao, ông quyết định tăng đàn. Chưa kịp vui, đại dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra, từ đó đến nay, thị trường tiêu thụ ngày càng chậm. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp bây giờ cơ giới hoá, việc sử dụng sức trâu để kéo cày, kéo xe cũng dần ít đi.
Trâu đói, ăn mót ít rơm khô rơi vãi trên vỏ lãi.
“Trước đây, thương lái thu mua với giá 190- 200 ngàn đồng/kg trâu hơi (trâu còn sống, chưa xẻ thịt), từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, giá chỉ còn 140 ngàn đồng/kg. Đã vậy, thương lái chỉ chọn mua trâu tơ, trâu nghé chứ không chịu mua trâu trưởng thành, trâu già” – ông Nghĩa nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Dùm, ngụ ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá cũng đang “rầu thúi ruột” với đàn trâu của mình. Gia đình ông 3 đời kiếm sống bằng nghề nuôi trâu trong hồ Dầu Tiếng. Ông Dùm nhớ lại: “Mấy chục năm trước, ông ngoại của tôi khởi nghiệp với nghề nuôi trâu, sau tới cha tôi. 18 năm nay, tôi nối nghiệp”. Khi chưa xảy ra dịch Covid- 19, ông Dùm cũng vay tiền từ ngân hàng để tăng đàn trâu của mình lên đến hơn 20 con.
Những năm gần đây, trâu tuột giá, khó tìm đầu ra. “Trước đây, mỗi con nghé khoảng 20 tháng tuổi, bán được khoảng 15 triệu đồng, hiện chỉ còn từ 7- 8 triệu đồng/con. Sắp tới kỳ trả tiền đáo hạn ngân hàng nhưng tôi chưa biết xoay sở ra sao” – ông Dùm buồn rầu nói.
Hồ Dầu Tiếng đang tích nước, anh Hiếu- một người ở xã Suối Đá đành nuôi nhốt đàn trâu của mình trên hòn đảo nhỏ.
Nguồn thức ăn ngày càng hạn hẹp
Trâu tuột giá, bán ra chậm, đã vậy những tháng qua, những người kiếm sống bằng nghề nuôi trâu trong hồ Dầu Tiếng lại đối diện với tình trạng thiếu thức ăn. Ông Nghĩa cho biết, hơn 2 tháng nay, khi hồ tích nước, ông và những đồng nghiệp ở đây phải mua rơm về dự trữ. Lão nông này cho hay: “Hiện giá rơm 32 ngàn đồng/cuộn. Từ nay đến khi hết mùa khô, giá có thể tăng cao hơn nữa. Năm ngoái, có lúc cao điểm, giá rơm tăng lên đến 42 ngàn đồng/cuộn”. Vì giá thức ăn khá cao nên ông Nghĩa chỉ cho ăn rơm cầm chừng.
Ngoài rơm, chủ nhân những đàn trâu ở đây còn mua vỏ củ mì, miểng củ mì để làm thức ăn cho trâu với giá 300 ngàn đồng/tấn. “Trâu không mấy hứng thú với loại thức ăn khô khan, ít dinh dưỡng này, nhưng vì quá đói, buộc chúng cũng phải ăn” – ông Nghĩa giải thích.
Một số người dân lùa đàn trâu của mình ra bờ đê tìm thức ăn.
Vài tháng nữa tới mùa mưa, khi mực nước hồ xuống thấp, cỏ non trồi lên trên những bãi đất bán ngập, giải quyết nhu cầu dinh dưỡng cho đàn trâu. Tuy nhiên, thực tế vài năm trở lại đây, cây mai dương – một loài cây ngoại lai xâm nhập đang lấn dần. Nhiều nông dân chặt, đốt nhưng năm sau, vẫn mọc lên cây khác.
Ông Nguyễn Văn Sang, ngụ thị trấn huyện Dương Minh Châu cho biết, tình hình khó khăn như vầy, ông định sẽ bán hết đàn trâu, về nhà tìm việc khác mưu sinh.
Đại Dương – Quốc Sơn
Nguồn: Báo Tây Ninh