Ông Lê Thanh Đắc (Tư Đắc), 50 tuổi, ngụ Tổ nhân dân tự quản số 3, ấp Giồng Kiến, xã Phú Long, huyện Bình Đại (Bến Tre) có thu nhập khá từ mô hình nuôi bò vỗ béo, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Ông Lê Thanh Đắc có hơn 20 năm làm nhân viên thú y xã Phú Long nên việc chăm sóc hay theo dõi bệnh của bò luôn được ông nắm vững và triển khai thực hiện tốt. Ngoài công việc nuôi bò vỗ béo, ông Tư Đắc còn nhận làm bò thuê cho khách hàng. Ông tận dụng những phụ phẩm trong quá trình làm bò thuê để nuôi cá. Từ đó, góp phần tạo dựng nguồn thực phẩm cá nuôi sạch cung cấp cho bữa ăn gia đình. Ngoài ra, ông còn nhận cuốc đất mướn (thuê 2 nhân công, mỗi nhân công vận hành 1 Kobe); nuôi thủy sản trong diện tích đất nhà.
Ông Lê Thanh Đắc bên trại nuôi bò vỗ béo của gia đình.
Năm 2015, ông Tư Đắc khởi đầu nuôi 4 con bò vỗ béo, đầu tư phát triển số lượng qua thời gian. Hiện tại, ông đang nuôi 14 con bò vỗ béo, với đủ loại giống như: Angus, Brahaman, 3B, Kem Pháp… Hễ thương lái hoặc người dân có nhu cầu đến tận chuồng thu mua và chọn lựa bò thương phẩm thì ông xuất chuồng, rồi nhập con giống mới về trại để tiếp tục chăn nuôi. Trung bình sau 8 tháng chăn nuôi, bò vỗ béo có thể xuất chuồng nhưng tùy thuộc nhu cầu của khách hàng mà ông Tư Đắc có thể bán sớm hoặc lâu hơn thời gian ước định.
Hiện tại, ông Tư Đắc tận dụng diện tích 100 m2 đất nhà xây dựng trại (2/3 chuồng ngủ và 1/3 sân chơi) để nuôi bò vỗ béo, chi phí đầu tư hơn 100 triệu đồng. Thiết kế mái tole che phần chuồng ngủ và sân chơi không có mái che để cho bò thoải mái vận động cũng như phơi nắng. Nền tráng bê-tông, dựng hành lang bằng khung sắt (cao tầm 1,5m) xung quanh. Vào ban đêm, ông giăng mùng ngủ bằng lưới cho vật nuôi vào mùa mưa. Còn mùa nắng thì ông chỉ phun thuốc diệt côn trùng mà không sử dụng mùng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Long Nguyễn Trung Hòa cho biết: “Toàn xã, người dân chăn nuôi 650 con bò vỗ béo và sinh sản. Trong đó, có hơn 435 con bò vỗ béo (chiếm tỷ lệ 70% so với tổng số). Mô hình nuôi bò vỗ béo hộ anh Lê Thanh Đắc đã minh chứng về hiệu quả thiết thực trong việc phát triển kinh tế gia đình. Bằng sự quyết tâm cùng ý chí phấn đấu và kinh nghiệm thực tiễn, anh Tư Đắc đã có lợi nhuận ổn định từ việc nuôi bò vỗ béo, góp phần chăm lo chu toàn cho gia đình.
Ông Nguyễn Trung Hòa cho biết thêm: “Hướng tới, địa phương sẽ phát triển số lượng bò của người dân nuôi đạt hơn 1 ngàn con. Hội đang xây dựng kế hoạch và sẽ triển khai thực hiện thành lập Tổ hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi bò vỗ béo trong năm 2024. Khi ấy, anh Tư Đắc sẽ đứng ra đầu tư và bao tiêu tất cả (con giống, chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi…) cho người dân địa phương nếu quyết lòng đầu tư chăn nuôi”.
Bài, ảnh: Lê Đệ
Nguồn: Báo Đồng Khởi