Nhờ chịu khó học hỏi, ông Đào Sơn Hải (thôn 2, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã xây dựng thành công mô hình nuôi chồn hương mang lại lợi nhuận 450 – 650 triệu đồng/năm.
Trước khi gắn bó với nghề nuôi chồn hương, ông Hải đã có nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi bò. Ông cho biết: Do ít đất sản xuất nên ông thường lưu tâm đến các mô hình chăn nuôi. Sau khi xem ti vi thấy mô hình nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông đã trực tiếp đến một số nơi tìm hiểu kỹ thuật và học hỏi thêm từ sách báo, các trang mạng xã hội.
Đến năm 2013, khi nắm vững kỹ thuật, ông đầu tư hơn 14 triệu đồng mua 3 con chồn hương đực và 9 con chồn hương cái về nuôi.
“Vì thiếu kinh nghiệm, trong quá trình chăm sóc, tôi đã để 2 con chồn xổng chuồng đi mất. Tiếc lắm nhưng tôi cũng rút ra bài học. Từ đó, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông và chuyển đổi hẳn từ chăn nuôi bò sang nuôi chồn hương” – ông Hải kể.
Khu chuồng nuôi bò cũ được ông Hải cải tạo thành nơi nuôi chồn hương với nhiều ô nuôi nhốt riêng biệt. Với chồn sinh sản cần yên tĩnh, ông bố trí khu vực riêng. Còn chồn đực, chồn con, chồn trưởng thành, ông tập trung vào một chỗ.
Ông Hải ưu tiên sử dụng các loại vật liệu inox, nhựa, gạch men lát nền và làm vách chuồng để chồn dễ di chuyển, không bị kẹt chân, thuận tiện vệ sinh chuồng trại hàng ngày.
Ngoài chuối, cá tươi ngon, gia đình ông Đào Sơn Hải (thôn 2, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) bổ sung khoáng chất, vitamin, men tiêu hóa để chồn hương tăng sức đề kháng, khỏe mạnh, mau lớn. Ảnh: Ngọc Minh
Theo ông Hải, chồn nuôi vẫn giữ bản tính hoang dã. Nếu nuôi chung, chúng sẽ cắn nhau đến chết, làm thất thoát con giống và giảm hiệu quả kinh tế. Do đó, mỗi ô chuồng, ông chỉ nuôi 1 con.
Bên cạnh đó, để dễ quản lý, theo dõi chồn cái sinh sản, ở vách ngăn giữa các ô tại khu nuôi chồn trưởng thành, ông thiết kế cửa di động.
“Khi chồn cái có biểu hiện phá chuồng, tiết xạ, tôi mở cửa cho chồn đực sang ghép đôi. Sau 58 – 62 ngày giao phối, chồn mẹ sinh con. Thông thường, chồn mẹ sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lứa 3 – 4 con. Chồn cái trong thời gian mang thai và nuôi con cần giữ yên tĩnh, bổ sung canxi, khoáng chất. Còn chồn con thì phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc để tỷ lệ sống cao” – ông Hải cho hay.
Để thành công với mô hình này, ông Hải đã nhiều lần đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại nuôi chồn hương tại tỉnh Lâm Đồng, Quảng Nam. Đến nay, trang trại của ông có hơn 100 con chồn hương.
“Mỗi năm gia đình bán 40 cặp chồn giống và 80 con chồn thương phẩm. Chồn thương phẩm nuôi 8 tháng đạt 2,5 kg/con có thể xuất chuồng; giá bán dao động 1,3 – 1,5 triệu đồng/kg. Chi phí bình quân 600 ngàn đồng/con, doanh thu 3,5 triệu đồng, lợi nhuận đạt 2,9 triệu đồng/con. Còn chồn giống tôi bán 10 triệu đồng/cặp (chồn đực 4 triệu đồng/con, chồn cái 6 triệu đồng/con), đem lại lợi nhuận cho gia đình 450 – 650 triệu đồng/năm” – ông Hải nói.
Có được thành công trên, trong quá trình chăn nuôi, ông Hải chú trọng phòng ngừa dịch bệnh, khẩu phần ăn hàng ngày cho đàn chồn.
Ông chia sẻ: “Tôi cho đàn chồn ăn 2 bữa/ngày, chủ yếu là chuối mốc loại vừa chín tới, cá rô phi đã làm sạch ruột; chi phí 2 – 3 ngàn đồng/con/ngày. Tất cả các loại thức ăn cho chồn phải đảm bảo tươi ngon, không ôi thiu, nấm mốc. Tôi trộn thêm men tiêu hóa 2 lần/tuần vào thức ăn để chồn dễ tiêu hóa.
Bên cạnh đó, tôi bổ sung canxi bằng cách cho thêm tép khô và vitamin A, D, E 1 lần/tuần nhằm tăng sức đề kháng, giúp chồn khỏe mạnh, mau lớn. Hàng năm, đàn chồn đều được tiêm vắc xin phòng bệnh. Tôi cũng thường xuyên thay nước uống cho đàn chồn, quét dọn, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; định kỳ 1 tuần hoặc 15 ngày phun thuốc khử trùng khu nuôi nhốt, hạn chế dịch bệnh gây hại đàn chồn”.
Mô hình nuôi chồn hương của ông Đào Sơn Hải (bìa trái, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) mang lại lợi nhuận cao. Ảnh: N.M
Theo ông Hải, kỹ thuật nuôi chồn hương không quá khó, chi phí thấp, lợi nhuận cao. Vì vậy, gia đình ông đang mở rộng quy mô chăn nuôi, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con nông dân trên địa bàn xã phát triển nghề nuôi chồn hương để đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập.
Nhận xét về mô hình nuôi chồn hương của gia đình ông Hải, bà Bùi Thị Chi – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Tam – cho biết: “Qua theo dõi, chúng tôi thấy mô hình nuôi chồn hương phù hợp với gia đình ít đất sản xuất; thức ăn cho chồn hương dễ kiếm, chi phí thấp, trong khi hiệu quả kinh tế mang lại rất cao.
Hội sẽ tuyên truyền, vận động, tổ chức cho hội viên nông dân có nhu cầu tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi chồn hương của ông Hải để nhân rộng mô hình”.
Ngọc Minh