Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị giúp đảm bảo cho các chủ thể tham gia chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp.
Thời gian qua, hầu hết các mô hình chăn nuôi chủ yếu là nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ. Mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ này tuy có ưu điểm tận dụng được nguồn lực lao động gia đình, đất đai, thức ăn, nhất là phụ phẩm nông nghiệp; không cần nhiều vốn hoặc kỹ thuật cao, dễ quản lý; tạo nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình nhưng nhược điểm là khó kiểm soát dịch bệnh, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; năng suất thấp (do tăng trọng thấp, sinh sản kém, chi phí thức ăn cao…).
Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra cũng khó tiếp cận thị trường tiêu thụ, dễ bị ép giá; ô nhiễm vì chất thải không được xử lý tốt và khó áp dụng công nghệ cao. Đặc biệt, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sản phẩm chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ sẽ khó có chứng nhận nguồn gốc, do đó, khâu tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc đổi mới phương thức chăn nuôi và tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị là một trong những giải pháp mà ngành nông nghiệp, người chăn nuôi đang hướng tới.
HTX đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối nông dân. Trong ảnh: Chăn nuôi heo tại HTX chăn nuôi heo Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Hiện nay, có hai hình thức liên kết đặc trưng trong chăn nuôi là liên kết theo đường đi của sản phẩm, từ người sản xuất đến người tiêu dùng (liên kết dọc) và liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất, kinh doanh (liên kết ngang). Trong đó, liên kết ngang, người sản xuất và đơn vị kinh doanh (các HTX và tổ hợp tác…) liên kết nhằm giúp đỡ nhau, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ gia đình xã viên phát triển. Tỉnh cũng khuyến khích phát triển theo hình thức liên kết ngang qua đó nhằm phát huy hết vai trò của người nông dân và nội lực của hình thức kinh tế tập thể mà trong đó có vai trò quan trọng của HTX.
Trong mô hình liên kết này, các đơn vị kinh doanh (HTX, tổ hợp tác) đóng vai trò cầu nối liên kết các hộ nông dân nhỏ lẻ thành một tổ chức kinh tế tập thể. Đồng thời đảm nhận vai trò hỗ trợ cung cấp các dịch vụ sản xuất bao gồm cả đầu vào, đầu ra cho các thành viên HTX (vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi), hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời đóng vai trò là cầu nối giữa thành viên HTX với các DN giết mổ, chế biến, xuất khẩu.
Mỗi khâu trong liên kết đều là mắt xích quan trong giúp chuỗi phát triển bền vững, vì vậy, ngoài nguồn cung đầu vào, việc đánh giá nhu cầu thị trường để định hướng cho nông dân trong hoạt động sản xuất để có đầu ra ổn định cần đến lực lượng chủ thể là những người tiêu thụ sản phẩm (thương lái, HTX, DN). Bên cạnh đó, một chủ thể nữa cũng đóng vai trò quan trọng không kém đó là các DN chế biến. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như hiện nay, việc tăng cường chế biến sâu đang là xu hướng tất yếu. Bởi có chế biến sâu đa dạng sản phẩm và tăng được giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường. Vai trò của các chủ thể này trong mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị rất quan trọng, có tính quyết định cho việc hình thành và phát triển các chuỗi liên kết trong chăn nuôi một cách bền vững.
Chăn nuôi gà trong chuồng lạnh của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu, huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Vì vậy, có thể khẳng định, phát triển ngành chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi là hoàn toàn khả thi, mang lại lợi nhuận cho cả người chăn nuôi và các DN tham gia chuỗi. Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi là yêu cầu cấp thiết hiện nay, nhất là sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các chủ thể, cần sự hỗ trợ của Nhà nước để làm tốt vai trò trọng tài, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, bình đẳng với chi phí thấp, tập trung hỗ trợ DN nông nghiệp nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp; khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nông dân đủ tri thức, văn hóa, kỹ năng sản xuất nông nghiệp để thực hiện vai trò chủ thể của mình. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ thiết lập đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không phụ thuộc vào một thị trường nhất định; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa công nghiệp với nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp; kết nối các chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị của thương hiệu, sản xuất sản phẩm đáp ứng được chất lượng, số lượng, tạo cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường…
Đông Hiếu (tổng hợp)
Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu