Gà Tiên Yên bí đầu ra

Gà Tiên Yên là sản phẩm OCOP 3 sao và đã xây dựng được thương hiệu, có logo, nhãn mác và được bảo hộ nhãn hiệu.

Gà Tiên Yên là 1 trong những sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh. Từ nhiều đời nay, người dân Quảng Ninh đã lan truyền câu ngạn ngữ: “Lợn Móng Cái – Gái Đầm Hà – Gà Tiên Yên”, thế nhưng trải qua nhiều năm, câu chuyện “cung vượt cầu”, gà mất giá… vẫn là trăn trở của các hộ chăn nuôi gà Tiên Yên.

Trăn trở “cung vượt cầu”

Anh Lỷ Thế Minh, thôn Hà Bắc, xã Hà Lâu nuôi gần 5.000 con gà Tiên Yên. Để đảm bảo có nguồn gà cung cấp cho thị trường các tháng trong năm anh chia thành nhiều lứa nuôi, mỗi lứa khoảng 1.500 con. Tuy nhiên, trên địa bàn đa phần các hộ dân đều nuôi gà Tiên Yên, cùng với đó là cạnh tranh với gà ở một số địa phương lân cận trong tỉnh hoặc tỉnh bạn, nên cung vượt cầu, khiến giá gà Tiên Yên đang đối mặt với việc bị rớt giá.

Cùng với đó khi không xuất bán được gà các hộ chăn nuôi gặp khó khăn về chi phí nuôi gà. Trong khi để xuất bán được một lứa gà Tiên Yên chuẩn đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ các quy định về con giống, thức ăn, tuổi xuất bán.

Gà Tiên Yên

Gà Tiên Yên đang được nuôi và bảo tồn tốt. Ảnh: Đức Hiếu

Theo các hộ chăn nuôi gà Tiên Yên, muốn giữ được thương hiệu của gà thì phải nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật gà thả đồi, thức ăn hai tháng đầu là cám, cùng với đó là các kỹ thuật phòng chống dịch bệnh cho gà, từ các tháng thứ 3 trở ra sẽ bỏ cám và chuyển sang cho ăn ngô, thóc.

Tuy nhiên để có được màu da gà vàng đẹp người chăn nuôi chủ yếu cho ăn ngô. Một trong những yếu tố quan trọng để khẳng định được thương hiệu gà Tiên Yên là thời gian nuôi phải từ 6 tháng với gà mái, từ 7 – 8 tháng với gà trống, có như vậy thịt của gà mới thơm, ngon.

Cũng như anh Minh và nhiều hộ nuôi gà trên địa bàn huyện Tiên Yên, anh Lỷ Đức Bảo, xã Phong Dụ chia sẻ, hiện nay số người nuôi gà Tiên Yên ngày một nhiều, vì thế đầu ra càng khó khăn vì cung lớn hơn cầu, kéo theo đó giá gà cũng giảm so với thời điểm trước. Gà trống thiến chỉ còn 130.000 đồng/kg, gà mái 110.000 đồng/kg, giảm gần 20% so với trước.

Anh Bảo, anh Minh và người nuôi gà ở Tiên Yên trăn trở về đầu ra giống gà mang thương hiệu của miền Đông tỉnh Quảng Ninh. Họ mong muốn chính quyền địa phương, các phòng ban chuyên môn tìm đầu ra bền vững cho giống gà này.

Gà Tiên Yên

Mô hình nuôi gà Tiên Yên hữu cơ dưới tán rừng của gia đình anh Sằm Văn Cắm, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đức Hiếu

Trên thực tế gà sống nếu bán cùng lúc sẽ khó khăn, nhưng nếu chế biến đông lạnh, tìm thị trường xuất khẩu được sẽ giúp thúc đẩy tiêu thụ, gia tăng giá trị cho giống gà đặc sản của địa phương. Cùng với đó người dân cũng mong muốn tiếp tục được chính quyền địa phương, ngân hàng chính sách tạo điều kiện cho bà con vay vốn để ổn định chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Nhọc nhằn đầu ra

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Yên, người dân ở 11 xã, thị trấn đều chăn nuôi gà; trong đó, có khoảng 400 cơ sở và 7 hợp tác xã quy mô nuôi trên 500 con. Năm 2023, tổng số gà xuất bán trên 1,2 triệu con. Hiện còn 180.000 con đến thời gian xuất bán.

Trên địa bàn có một hợp tác xã chăn nuôi gà Tiên Yên ở xã Phong Dụ đã đầu tư dây chuyền chế biến gà đông lạnh công suất 5.000 con/ngày. Tuy nhiên, đến nay do chưa nhận được đơn hàng lớn nên cơ sở này chưa bao tiêu được sản phẩm cho các hộ nuôi khác trong huyện.

Hiện nay, gà Tiên Yên là sản phẩm OCOP 3 sao và đã xây dựng được thương hiệu, có logo, nhãn mác và được bảo hộ nhãn hiệu. Tuy nhiên, sản phẩm gà Tiên Yên được tiêu thụ tại địa phương và các vùng lân cận. Gà chủ yếu là tiêu thụ gà sống mà chưa đưa được vào hệ thống siêu thị do khâu sản xuất, sơ chế và chế biến còn nhỏ, thủ công, chưa có các sản phẩm gà chế biến đặc trưng.

Bà Đỗ Thị Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Yên cho biết, để tháo gỡ khó khăn, UBND huyện đã đưa ra các giải pháp nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm, củng cố lại chuỗi liên kết sản xuất gà Tiên Yên. Cùng với đó, huyện đã giao Phòng Kinh tế Hạ tầng làm chủ đề tài “Hoàn thiện và ứng dụng quy trình công nghệ chế biến sản phẩm từ gà cho gà Tiên Yên” sẽ hoàn thành vào năm 2024.

Nhiệm vụ của đề tài là ứng dụng quy trình chế biến ba sản phẩm thịt gà Tiên Yên gồm: gà ủ muối hoa tiêu, gà ủ thảo dược, gà ủ xì dầu xông khói theo phương pháp thủ công. Đề tài với mục tiêu xây dựng thương hiệu, tăng giá trị, giúp gà Tiên Yên phát triển được thị trường tiêu thụ và nâng cao thu nhập cho người dân.

UBND huyện Tiên Yên cũng giao các phòng chuyên môn kết nối để đưa gà Tiên Yên vào các công ty than trên địa bàn tỉnh để làm quà tết cho công nhân.

Để tìm được đầu ra bền vững, huyện Tiên Yên chú trọng giữ vững thương hiệu giống gà đặc sản này. Ông Giáp Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Lâu chia sẻ, đặc điểm của gà Tiên Yên là chân nhỏ, da vàng, mình tròn, bụng nhiều mỡ…do vậy để giữ thương hiệu gà với thị trường, hàng năm hội đều tuyên truyền vận động hộ chăn nuôi ký cam kết bảo vệ môi trường, xuất bán gà khi đủ tháng tuổi, không xuất bán sớm ảnh hưởng đến chất lượng thịt, mất thương hiệu gà Tiên Yên.

Bên cạnh đó địa phương này đã tổ chức các cuộc thi để tìm ra Vua gà, Hoàng hậu gà, từ đó quảng bá hình ảnh, thương hiệu gà Tiên Yên đến đông đảo người dân, du khách từ đó thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ, để gà Tiên Yên không chỉ “cất tiếng gáy” trong tỉnh mà sẽ  “cất cánh” vươn ra nhiều thị trường khác tiềm năng hơn.

Thanh Vân – Đức Hiếu

Nguồn: TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *