(Người Chăn Nuôi) – Những thách thức đang lan rộng ngày nay không chỉ gây gián đoạn trong ngành gia cầm mà trong hầu hết lĩnh vực khác. Giá tiêu dùng tăng vọt, cùng sự bất ổn trong chuỗi cung ứng đã tác động tiêu cực đến an ninh lương thực và những nền kinh tế dễ bị tổn thương sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Lạm phát leo thang khiến những loại thực phẩm như thịt bò và thịt heo bị loại ra khỏi thực đơn hàng ngày, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Trong khi đó, thịt gà giá cả phải chăng và dễ chế biến thành nhiều món ăn đa dạng đã nhanh chóng “lên ngôi” với mức tiêu thụ dự kiến tăng gấp đôi so với nhiều năm trước đó.
Theo dự báo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), đến năm 2030, thịt gà sẽ chiếm tỷ trọng 41% tổng lượng tiêu thụ thịt trên toàn cầu. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, ngành gia cầm phải áp dụng các chiến lược đổi mới và hợp tác để đảm bảo đáp ứng nguồn thực phẩm có giá trị và bền vững.
FAO nhận định, thực phẩm cung cấp protein hỗ trợ tăng trưởng, phát triển và sức khỏe hệ miễn dịch, và là nhóm dưỡng chất quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể, đặc biệt trong cơ thể đang phát triển của trẻ nhỏ. Thế nhưng, tình trạng mất an toàn thực phẩm trong các hộ gia đình vẫn đang tồn tại, gây ra nhiều rủi ro sức khỏe.
Ngay lúc này, thịt gà trở thành giải pháp cứu cánh đáp ứng nhu cầu protein hàng ngày của người dân. Giá cả phải chăng của thịt gà là một điểm cộng lớn, cùng đó, loại thực phẩm này không gặp phải rào cản tôn giáo như thịt bò và thịt heo nên dần trở thành loại protein phổ biến toàn cầu.
Tuy nhiên, dịch bệnh là yếu tố có khả năng làm tê liệt chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi. Do đó, muốn phát triển chuỗi cung ứng bền vững cần lưu ý hai vấn đề hàng đầu là phúc lợi động vật và an toàn sinh học. Những con gà được chăm sóc tốt sẽ khỏe mạnh hơn và có khả năng chống lại dịch bệnh cao hơn. Nâng cao phúc lợi động vật thông qua di truyền, an
toàn sinh học nghiêm ngặt, quản lý trang trại và thú y tốt. An toàn sinh học cũng là yếu tố mang tính chìa khóa, và quyết định trại nuôi an toàn hay không trước các đợt bùng phát dịch bệnh.
Chu kỳ sản xuất gia cầm ngắn hơn các loại gia súc nên có thể mở rộng quy mô dễ dàng để đáp ứng nhu cầu. Nhưng để làm được điều đó, người chăn nuôi cần đến sự trợ giúp từ công nghệ, nhất là công nghệ thông minh ở mọi cấp độ, từ trại giống đến trại nuôi thương phẩm.
Tiến bộ di truyền trong sản xuất giống, kết hợp công nghệ thông minh ở trại nuôi thương phẩm sẽ giúp ngành gia cầm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của khoảng 10 tỷ người vào năm 2057.
Thế giới vẫn đang biến động, do đó, ngành gia cầm phải luôn sẵn sàng chiến lược ứng phó những biến cố bất ngờ. Các chương trình nhân giống gia cầm đang diễn ra ở nhiều vùng nuôi khác nhau trên toàn cầu được xem là nền tảng cho mạng lưới cung ứng vững chắc. Sau cùng, thành phần thiết yếu cho chuỗi cung ứng khỏe mạnh là thương mại cởi mở, minh bạch giữa các quốc gia. Ngành gia cầm thế giới phải cùng nhau bảo vệ lợi ích chung để đảm bảo cung ứng sản phẩm thành công từ trang trại đến bàn ăn trên phạm vi toàn cầu.
Jan Henriksen
CEO công ty giống gia cầm Aviagen