Thông tin bước đầu, đã có 6 lợn nái, 40 lợn thịt tại một trang trại trên rú cát ở Quảng Điền bị chết, nghi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Các cơ quan chức năng đang tiến hành các biện pháp cần thiết để dịch không lây lan trên diện rộng.
Ông Nguyễn Lực, chủ trang trại ở vùng rú cát Quảng Điền thông tin, cách đây khoảng mười ngày, đàn lợn nái, lợn thịt của ông bỗng xuất hiện một số triệu chứng bất thường, như bỏ ăn, khó thở, tiêu chảy, sốt cao… và sau đó chết hàng loạt với 6 lợn nái, 40 lợn thịt. Hiện tại chuồng còn một số con lợn thịt đang bị bệnh, có khả năng sẽ chết. Qua nhận biết một số triệu chứng, lợn chết nghi bị nhiễm bệnh DTLCP.
Ông Lực tiến hành các biện pháp chôn hủy số lợn chết, kết hợp với các biện pháp tiêu độc, khử trùng, rải vôi, hóa chất tại các chuồng nuôi và quanh khu vực trang trại. Từ mười ngày nay, trang trại lợn của ông Lực gần như cách ly tuyệt đối, không cho người ra vào để tránh dịch bệnh lây lan sang các hộ và vùng nuôi khác.
Điều đáng nói, theo quy định khi phát hiện lợn bị dịch bệnh, hoặc có các triệu chứng bất thường, các hộ chăn nuôi phải báo với cơ quan chức năng để được hướng dẫn các biện pháp ứng phó, chôn hủy và khoanh vùng dịch.
Điều lo ngại nhất hiện nay là những ngày sau lũ lụt, tình hình vệ sinh môi trường tại các địa phương rất phức tạp, có nguy cơ ô nhiễm tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh nói chung và DTLCP phát tán. Hoạt động vận chuyển lợn từ các nơi đi qua địa bàn tỉnh và tại các địa phương rất phức tạp là nguy cơ có thể lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, hiện Quảng Trị là tỉnh giáp ranh với Thừa Thiên Huế đang có DTLCP, diễn biến phức tạp nên nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh rất cao.
Tiêu độc, khử trùng phương tiện chở lợn đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế
Thông qua công tác tuyên truyền của địa phương và ngành thú y, ông Ái Hiệp, chủ trang trại ở vùng cát Quảng Điền hiểu rõ DTLCP là loại dịch bệnh nguy hiểm, không thể chủ quan, lơ là mà phải chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Việc phòng, chống DTLCP được triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, tích cực như vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho lợn, tăng hàm lượng dinh dưỡng vào thức ăn, tăng sức đề kháng cho lợn…
Mấy ngày nay, trong điều kiện thời tiết diễn biến thức tạp, ông Hiệp vẫn cố gắng thường xuyên tổ chức tiêu độc, khử trùng và vệ sinh chuồng trại lợn. Những đàn lợn mới nuôi được ông Hiệp tiến hành tiêm vắc-xin phòng, chống DTLCP và các loại bệnh nguy hiểm khác. Thời điểm này, trang trại ông Hiệp cũng rất hạn chế người ra vào, hoặc trước khi ra vào phải được tiêu độc, khử trùng theo quy định.
Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền thông tin, sau khi nắm thông tin lợn chết tại trang trại vùng rú cát, ngành nông nghiệp huyện đang tiến hành xác minh và kiểm tra nguyên nhân lợn chết do bệnh gì để có biện pháp ứng phó, ngăn chặn, không để lây lan diện rộng. Đồng thời, tuyên truyền, yêu cầu người dân phải báo với cơ quan chức năng khi phát hiện lợn nuôi có biểu hiện bất thường.
Cán bộ nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương đang tích cực giám sát, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động phòng ngừa DTLCP. Trong đó, tập trung các biện pháp chính như vệ sinh môi trường sau lũ, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao. Người dân được tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh đầy đủ.
TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, trước diễn biến phức tạp của DTLCP trên cả nước, cuối tháng 11 vừa qua, tỉnh đã có chỉ đạo khẩn cấp, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh bệnh này. Ngành thú y đề cao cảnh giác, hoàn toàn chủ động phòng, chống, kiểm soát DTLCP kịp thời, hiệu quả nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tại các chốt kiểm dịch bắc, nam đang được cơ quan chức năng bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên để ngăn chặn, tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển lợn trước khi đi quan địa bàn tỉnh và vào địa bàn tỉnh tiêu thụ. Lực lượng này kết hợp tuần tra tại các tuyến đường “xung yếu” để kiểm tra, xử ký kịp thời tình trạng vận chuyển gia súc lậu.
Để phòng ngừa DTLCP nguy hiểm có thể xảy ra, yêu cầu đặt ra với các địa phương, hộ chăn nuôi là phải từng bước chuyển sang phương thức nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Cán bộ thú y cơ sở tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất tại khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao.