(Người Chăn Nuôi) – Trong hai ngày 5 – 6/12/2023, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Y tế đồng tổ chức “Hội nghị chuyên đề về phối hợp đa ngành trong phòng, chống kháng thuốc: Từ chính sách đến hành động” với sự hỗ trợ của Quỹ Fleming, Vương quốc Anh.
Cần sự phối hợp đa ngành
Hội nghị góp phần hưởng ứng Quyết định 1121/QĐ-TTg ngày 25/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược Quốc gia phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Toàn cảnh Hội nghị chuyên đề phối hợp đa ngành trong phòng, chống kháng thuốc.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế xác định công tác phòng, chống kháng kháng sinh là nhiệm vụ ưu tiên của ngành. Tuy nhiên, không thể thực hiện đơn lẻ mà cần sự chung tay, gắn kết của các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài Nguyên – Môi trường, Bộ Công thương và đặc biệt là các nguồn lực của các tổ chức quốc tế, khối tư nhân trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Hội nghị là dấu mốc quan trọng, là cam kết của Việt Nam trong công cuộc phòng, chống kháng kháng sinh một cách toàn diện. Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT xây dựng và triển khai Đề án nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong thú y giai đoạn 2024 – 2030.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu Khai mạc Hội nghị.
Để kiểm soát tốt việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, các tổ chức, ban, ngành trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, để họ có trách nhiệm trong việc sử dụng kháng sinh điều trị bệnh cho động vật.
Cùng với đó, sự tham gia tích cực của người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y cũng là các nhân tố quan trọng trong công cuộc phòng, chống kháng kháng sinh. Từ đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa chính sách tới hành động trong cuộc chiến chống lại tình trạng kháng thuốc ở Việt Nam.
Đồng chủ trì Hội nghị, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng: Đã đến lúc cần tăng cường các chương trình giáo dục và truyền thông thay đổi nhận thức và thực hành về việc sử dụng kháng sinh, góp phần ngăn chặn sự lạm dụng kháng sinh trong ngành y tế, chăn nuôi, thú y và cộng đồng.
Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm
“Hội nghị chuyên đề về phối hợp đa ngành trong phòng, chống kháng thuốc: Từ chính sách đến hành động” sẽ diễn ra trong 2 ngày với nhiều chủ đề được đưa ra thảo luận như: Nỗ lực thúc đẩy Một sức khỏe trong phòng chống kháng thuốc ngành nông nghiệp; Cách tiếp cận Một sức khỏe trong giám sát kháng kháng sinh: Kinh nghiệm từ Dự án nghiên cứu gia cầm Một sức khỏe; Thực hành sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gà quy mô nông hộ; Nhận thức và sử dụng kháng sinh trong chuỗi giá trị gia cầm ở Việt Nam…
Từ năm 2026, kháng sinh sẽ chỉ được dùng để điều trị dự phòng, điều trị bệnh động vật khi vật nuôi được chẩn đoán mắc bệnh và phải theo đơn thuốc của người được phép kê đơn thuốc thú y. Bộ NN&PTNT đã ban hành các Thông tư quy định về hướng dẫn kê đơn thuốc thú y (Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT và Thông tư số 13/2022/TT-BNNPTNT), sắp tới là tài liệu Hướng dẫn cách kê đơn thuốc thú y trong điều trị bệnh động vật để hướng tới sử dụng kháng sinh đúng cách, có trách nhiệm trong chăn nuôi thú y.
Để triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống kháng kháng sinh, Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng, chống kháng kháng sinh trong sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017 – 2020; Quyết định số 3609/QĐ-BNN-TY về Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ về kháng kháng sinh cho cộng đồng thông qua việc quản lý sử dụng kháng sinh và kiểm soát kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh kỷ niệm.
Thùy Khánh
(Bài và ảnh)