Là yêu cầu của UBND tỉnh Kon Tum tại văn bản số 4197/UBND-NNTN ngày 4/12 nhằm bảo vệ đàn gia súc trước khi vào mùa rét đậm, rét hại, nhất là các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông và Đăk Glei.
Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn theo dõi, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét ở vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Thành lập đoàn công tác và cử cán bộ chuyên môn trực tiếp tới các địa phương, phối hợp với các đoàn thể, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống đói, rét cho vật nuôi đến từng thôn làng, hộ gia đình.
Phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng và nhận rộng các mô hình mẫu về chăn nuôi, mô hình phòng chống đói rét phù hợp với tập quán sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi để khắc phục được tình trạng vật nuôi bị chết do đói, rét.
Không để gia súc bị đói rét. Ảnh: TH
UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Nhất là thay đổi tập quán chăn nuôi gia súc thả rông (trâu, bò, heo); phòng chống đói, rét cho trâu, bò.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và phân công trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể từng tổ chức, cá nhân trong công tác phát triển chăn nuôi, phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để xảy ra tình trạng gia súc, gia cầm chết do đói, rét.
Triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn. Tróng đó chú ý hướng dẫn người chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn tinh và thức ăn khô (rơm, cỏ khô, thức ăn ủ chua) cho trâu, bò; thông tin kịp thời và thường xuyên về tình hình thời tiết để người chăn nuôi biết; không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do khi rét đậm, rét hại; củng cố, che chắn và thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, luôn giữ khô nền chuồng, đảm bảo ấm và không ẩm ướt.
Thành Hưng
Nguồn: Báo Kon Tum