Chiều ngày 27/11, Sở Nông nghiệp và PTNT đi kiểm tra công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại huyện Triệu Phong.
Theo báo cáo của UBND huyện Triệu Phong, tính đến ngày 26/11, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 18 xã, thị trấn của huyện với tổng số 1.042 con lợn bị bệnh, chết buộc chôn hủy, tổng trọng lượng gần 47 tấn. UBND huyện đã công bố dịch ở 15/18 xã, thị trấn (còn 3 xã Triệu Phước, Triệu An, Triệu Ái chưa công bố).
Để phòng chống dịch bệnh, UBND huyện đã tiếp nhận từ nguồn hỗ trợ ngân sách tỉnh 700 lít hóa chất và cấp cho các xã, thị trấn tiến hành tiêu độc, khử trùng; đang đề xuất cấp trên hỗ trợ thêm 4.000 lít hóa chất. Bố trí ngân sách huyện 49,4 triệu đồng để mua 300 lít hóa chất, 4 tấn vôi bột; UBND các xã, thị trấn bố trí ngân sách địa phương mua 20 tấn vôi bột để triển khai phòng chống dịch bệnh.
Kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong – Ảnh: L.A
Theo đánh giá của huyện Triệu Phong, nguyên nhân tình hình dịch bệnh lây lan trên địa bàn huyện là do chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, hộ gia đình; mật độ chăn nuôi lợn cao; vệ sinh môi trường kém; chưa áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Người chăn nuôi chưa tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, còn chủ quan, lơ là. Chưa có vắc xin DTLCP để phòng bệnh chủ động và không có thuốc điều trị cho đàn lợn ốm. Đặc biệt, hiện có 3 xã gồm Triệu Ái, Triệu Giang, Triệu An chưa kiện toàn được nhân viên thú ý nên rất khó khăn trong công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh. Hiện tại dịch bệnh đang tiếp tục lây lan nhưng với tốc độ chậm hơn, nhiều địa phương không phát sinh thêm ổ dịch mới.
Sau khi kiểm tra thực tế, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc nhận định, tình hình bệnh DTLCP trên địa bàn huyện Triệu Phong nói riêng và toàn tỉnh nói chung dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, không đảm bảo các yêu cầu về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Ngoài ra, hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, lợn chết từ các địa phương có dịch bệnh sang các địa phương chưa có dịch bệnh rất khó kiểm soát; việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh cũng như không báo cáo theo đúng quy định còn diễn ra ở một số địa phương, người chăn nuôi; nhiều người chăn nuôi lợn vì lợi ích kinh tế trước mắt đã không khai báo khi có dịch bệnh mà gọi thương lái để bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.
Để kiểm soát dịch bệnh, đề nghị huyện Triệu Phong nói riêng và các huyện, thị xã, thành phố nói chung tập trung thực hiện các chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP và các văn bảo chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, ngành nông nghiệp.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương nhằm sớm khoanh vùng dập dịch, tránh thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi. Lưu ý, bệnh DTLCP chỉ gây bệnh cho lợn, hoàn toàn không lây cho người nên người dân không nên hoang mang mà “quay lưng” với thịt lợn.
Tăng cường tuyên truyền, vận động mọi người dân tự giác thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh; không bán chạy lợn mắc bệnh; không tự vận chuyển lợn bị mắc bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác lợn chết bừa bãi). Khoanh vùng, giám sát chặt chẽ việc giết mổ lợn trong vùng dịch.
Đặt biển báo nơi có dịch; thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên các trục đường giao thông để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn nhập vào địa bàn hoặc vận chuyển lưu thông qua địa bàn tránh lây lan dịch bệnh. Bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch; chủ động quỹ đất sử dụng tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật khi cần thiết.
Tăng cường kiểm tra tình hình dịch bệnh ở vùng chăn nuôi lợn tập trung trên địa bàn, các trại chăn nuôi lợn; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống và cam kết báo cáo ngay khi phát hiện dịch bệnh trên đàn lợn, không giấu dịch.
Lê An
Nguồn: Báo Quảng Trị