Mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, ông Danh Dung, ngụ ấp Cái Nhum, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) vươn lên khá giàu nhờ mô hình nuôi chồn hương.
Ở ấp Cái Nhum, ông Danh Dung không chỉ tiên phong nuôi chồn hương thương phẩm thành công mà còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho người có nhu cầu tìm hiểu, muốn khởi nghiệp với mô hình này tại địa phương.
Ông Dung chia sẻ: “Tôi ấp ủ mô hình nuôi chồn hương từ năm 2017, đến năm 2019 mới thực hiện. Bước đầu tôi tham quan mô hình nuôi chồn hương ở Sóc Trăng, Cà Mau rồi về thử nghiệm với 10 con giống. Sau thời gian gây đàn, đến nay tôi thành công với mô hình nuôi chồn hương, lợi nhuận 250 triệu đồng/năm. Tôi dự định mở diện tích khu nuôi; đồng thời nhân rộng mô hình cho người có nhu cầu nuôi chồn hương, nhất là người đồng bào Khmer”.
Ông Danh Dung chăm sóc chồn hương.
Theo ông Dung, thức ăn của chồn hương chủ yếu là cá và một số loại trái cây như đu đủ, chuối chín. Để nuôi chồn hương thương phẩm thành công cần tìm hiểu, học kinh nghiệm kỹ từ người nuôi trước, nhất là cách chăm sóc, làm chuồng và cần tìm hiểu nắm rõ tập tính, các bệnh thường gặp của loài vật này… Nhờ cần cù và chịu khó học hỏi, hiện ông Dung mở rộng chuồng nuôi lên gần 200 m2 và cung cấp thêm chồn hương giống.
“Chồn hương dễ nuôi, ít bệnh, có chu kỳ sinh sản dày, nhờ vậy từ 10 con giống ban đầu đến nay tôi có 15 cặp chồn hương bố mẹ và 45 con chồn thương phẩm, trong khi tôi vừa gây đàn vừa bán con giống, chồn thương phẩm. Giá bán con giống từ 3 tháng tuổi trở lên bình quân 10 triệu đồng/cặp, riêng chồn thương phẩm tôi bán giá khoảng 1,3 triệu đồng/kg. Tôi yên tâm về đầu ra vì có thương lái từ các nơi đến đặt hàng”, ông Dung nói.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Cái Nhum Thái Văn Tú cho biết: “Ông Danh Dung mạnh dạn đi đầu trong sản xuất, kinh doanh, chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. Thành công từ mô hình nuôi chồn hương, ông chia sẻ kinh nghiệm với bà con để phát triển kinh tế. Đến nay, ông Danh Dung hướng dẫn 8 hộ đồng bào Khmer tại địa phương nuôi chồn hương với tổng số 30 cặp chồn bố mẹ. Các cặp chồn bố mẹ đang sinh sản và phát triển tốt”.
Theo đồng chí Thái Văn Tú, tại địa phương, ông Danh Dung còn là người có uy tín trong đồng bào Khmer, luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đi đầu trong các phong trào khi địa phương phát động. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ ông Danh Dung thực hiện thủ tục thành lập tổ hợp tác nuôi chồn hương.
“Từ thực tế chăn nuôi của gia đình ông Danh Dung cho thấy nuôi chồn hương là mô hình chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao, không đòi hỏi diện tích đất sản xuất lớn, chi phí đầu tư ban đầu vừa phải. Riêng về kỹ thuật nuôi và chăm sóc chồn hương đơn giản, không tốn nhiều công, nguồn thức ăn dễ tìm, giá rẻ… Gia đình ông Danh Dung là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế hộ gia đình cần nhân rộng ở địa phương”, ông Thái Văn Tú nhận định.
Bài và ảnh: Nguyễn Minh – Dương Tuấn
Nguồn: Báo Kiên Giang