Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của HĐND thành phố Hà Nội, việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố đã thu được những kết quả khả quan.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn khoảng 1.127 hộ, hơn 76.874 con gia súc, gia cầm chăn nuôi ở khu vực không được phép, gây ô nhiễm môi trường và khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh…
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của HĐND thành phố Hà Nội về ban hành Quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố quy định rõ khu vực không được phép chăn nuôi.
Đó là các phường của các quận; 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây (Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền, Lê lợi); các thị trấn của 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức); các khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thành phố hỗ trợ một lần cho việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi từ ngày 1-1-2021 đến 31-12-2023.
Huyện Hoài Đức sẽ di dời các hộ chăn nuôi ra khỏi khu dân cư trong thời gian tới. Ảnh: Hương Giang
Sau hơn 3 năm triển khai, việc di dời đã đạt được một số kết quả khả quan, từng bước giảm về số hộ chăn nuôi và số lượng gia súc gia cầm tại các khu vực không được phép. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng thông tin, nhờ triển khai Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND, chăn nuôi gia cầm đã giảm được hơn 65% số hộ và hơn 63,4% số con; chăn nuôi lợn giảm hơn 32% số hộ và hơn 36% số con; chăn nuôi trâu bò, dê giảm gần 30% số hộ và hơn 21% so với năm 2020. Các thị trấn giảm gần 100% về lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm là: Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm); Đông Anh (huyện Đông Anh); Phùng (huyện Đan Phượng).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác di dời các hộ chăn nuôi ra khỏi khu dân cư vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc và bất cập. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn ở phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, vì gia đình ông có nghề làm đậu phụ nên tận dụng bã đậu sau sản xuất để chăn nuôi lợn. “Mặc dù các ngành chức năng đã tuyên truyền, vận động, nhưng không chăn nuôi, tôi không biết làm nghề gì để mưu sinh; cũng không còn trẻ để chuyển đổi nghề khác”, ông Tuấn bộc bạch.
Đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Hoàng Mai Ngô Văn Nguyên cho biết, trên địa bàn quận vẫn còn 156 con trâu, bò; 548 con lợn; 200 con gia cầm nuôi trái với quy định. Nguyên nhân là do gắn liền với lợi ích kinh tế của người dân. Việc kiểm tra, xử lý của địa phương mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản nhắc nhở, chưa xử phạt hành chính trường hợp nào.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, quy định di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư ở các địa phương trên địa bàn cả nước, trong đó có thành phố Hà Nội, vẫn còn khó khăn là do việc bố trí quỹ đất và các thủ tục liên quan sau di dời.
Chính vì vậy, đến nay, trên địa bàn các phường, thị trấn của Hà Nội không được phép chăn nuôi vẫn còn hơn 1.127 hộ chăn nuôi, với hơn 76.874 con gia súc, gia cầm, tập trung chủ yếu ở các quận: Bắc Từ Liêm, Hà Đông…
Tuyên truyền và xử lý vi phạm
Để di dời hết các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố trước ngày 31-12-2023 theo đúng Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND, ông Nguyễn Đình Hùng ở phường Phú Lương (quận Hà Đông) cho rằng, các ngành chức năng cần tham mưu cho thành phố hỗ trợ cho người chăn nuôi học nghề sát với thực tế và hỗ trợ lao động chuyển đổi nghề được vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thường Sơn cho biết, quận đang xây dựng dự toán chi phí cho việc di dời cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mặt khác, nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề nghiệp; tìm ngành nghề hoặc việc làm phù hợp để tổ chức đào tạo nghề cho các hộ sau khi không còn chăn nuôi.
Còn Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đàm Tiến Thắng thông tin, quận tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân tự giác thực hiện; đồng thời, chỉ đạo các phường quản lý chăn nuôi theo quy định. Cùng với đó, quận thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình nuôi gia súc, gia cầm trong khu vực không được phép.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường khẳng định, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện có khu vực không được phép chăn nuôi tiến hành rà soát số hộ và tổng đàn gia súc, gia cầm. Cùng với đó, Sở thành lập các đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm các hộ chăn nuôi không bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.
Ngọc Quỳnh
Nguồn: Hà Nội mới