(Người Chăn Nuôi) – Hiện tại, cả nước không có ổ dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, dự báo thị trường gia cầm trong các tháng cuối năm sẽ nhộn nhịp trở lại, người dân cần cảnh giác và nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu
Trước đây, bệnh CGC thường bùng phát vào mùa thu, nhưng gần đây bệnh diễn ra quanh năm, tốc độ lây lan của dịch bệnh không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, thời gian và khu vực địa lý. Mới đây, tại tỉnh SvayRieng (Campuchia) giáp với biên giới Việt Nam có một ca tử vong trên người do nhiễm CGC H5N1. Các chuyên gia của nước này đang tích cực điều tra nguồn gốc dịch và sẽ tiếp tục tìm kiếm để ngăn ngừa dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới, một số chủng virus CGC như: H5N1, H5N6, H5N8, H7N9 có khả năng lây nhiễm sang người với tỷ lệ tử vong cao. Việt Nam được coi là điểm nóng về sự phát triển của virus cúm, cả về chủng cúm theo mùa ở người và virus cúm ở động vật. Hàng năm, CGC vẫn xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, ngày 5/10/2022, Việt Nam có 1 người nhiễm CGC, chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ, nâng tổng số người nhiễm virus cúm gia cầm A/H5 tại nước ta lên 128 trường hợp, trong đó 64 trường hợp tử vong.
Đảm bảo vệ sinh chuồng trại cho đàn gia cầm sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: ST.
Báo cáo của Cục Thú y cho thấy, trong tháng 9/2023, cả nước không phát sinh ổ dịch cúm gia cầm (CGC). Từ đầu năm đến nay, toàn quốc xảy ra 16 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 9 tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Tiền Giang, Sóc Trăng; số gia cầm mắc bệnh, bị chết và tiêu hủy là 30.712 con. So với cùng kỳ năm ngoái, số ổ dịch giảm 52,94%, số gia cầm phải tiêu hủy giảm 60,45%, tuy nhiên, theo đại diện Cục Thú y, các địa phương và người chăn nuôi không được lơ là, chủ quan.
Các địa phương tích cực phòng dịch
Hiện đang là thời gian tái đàn vật nuôi phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2024, nhiều địa phương khuyến cáo người chăn nuôi chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có công văn chỉ đạo các đơn vị tiếp tục ngăn chặn, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ các tỉnh biên giới. Đặc biệt Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động lấy mẫu giám sát dịch bệnh và sự lưu hành của virus CGC, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dịch bệnh kịp thời, không để lây lan diện rộng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở triển khai công tác tiêm vắc xin CGC theo quy định.
Cán bộ thú y huyện Chương Mỹ, Hà Nội kiểm tra và tiêm phòng cho đàn vịt. Ảnh: ST
Trong năm nay, tỉnh Hải Dương đã cấp 2 đợt vắc xin với tổng số hơn 8,1 triệu liều để phòng CGC. Các địa phương trong tỉnh sẽ triển khai tiêm phòng cho đàn gia cầm từ ngày 15/10 đến hết ngày 30/10; sau đó tiếp tục đăng ký vắc xin phòng CGC tiêm bổ sung cho gia cầm mới nhập đàn.
Tại tỉnh Nghệ An, từ ngày 15/9 – 15/10 bên cạnh công tác tiêm vắc xin, tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với tình hình thực tế, có tính khả thi cao và triển khai đồng bộ các giải pháp để kiểm soát dịch bệnh như tăng cường giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp dương tính với virus CGC; trường hợp đàn gia cầm nuôi có biểu hiện nghi ngờ bệnh, nghi tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh đều được kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Các cơ quan chuyên môn cũng thường xuyên tổ chức các đợt lấy mẫu giám sát tại các chợ/điểm thu gom, buôn bán gia cầm sống từ đó có giải pháp xử lý ổ dịch kịp thời.
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Long An sẽ triển khai tiêm khoảng 700.000 liều vắc-xin CGC trong thời gian từ ngày 6/10 đến ngày 20/10/2023. Đối tượng được hỗ trợ tiêm miễn phí là các hộ chăn nuôi ngan, vịt thịt và vịt đẻ, có quy mô tổng đàn từ 2.000 con trở xuống. Hộ chăn nuôi vịt chạy đồng có nguồn gốc ngoài tỉnh bắt buộc tự tiêm phòng dưới sự giám sát của cơ quan thú y.
Đàn gia cầm nước ta hiện được nuôi với số lượng rất lớn, khoảng hơn 500 triệu con. Để phòng chống dịch, một trong những giải pháp cần được quan tâm đó là tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Bên cạnh việc đảm bảo tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch cho đàn gia cầm thì người chăn nuôi cần tăng cường chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh.
Thùy Khánh
(Tổng hợp)