(Người Chăn Nuôi) – Những tháng cuối năm, tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu từ biên giới vào nước ta lại diễn biến phức tạp hơn. Mới đây, tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, lực lượng chức năng đã bắt giữ và tiêu hủy một lượng lớn gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Triệt phá thành công nhiều vụ
Ngày 1/10, tại khu vực biên giới biển phường Trà Cổ, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, lực lượng biên phòng phát hiện bè gỗ vận chuyển trái phép 17.760 con gà giống từ Trung Quốc. Chủ phương tiện là người khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số hàng. Trước đó, ngày 22/8, tại khu vực biên giới biển bến Gót thuộc thôn Hải Yến, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, lực lượng biên phòng thu giữ 12.045 con gà, vịt giống; 18.900 quả trứng gia cầm không rõ nguồn gốc. Toàn bộ số sản phẩm nhập lậu này đều bị lực lượng chức năng tiêu hủy.
Trước tình trạng các loại gà giống lậu được nhập với số lượng lớn qua cửa ngõ Quảng Ninh về thị trường nội địa, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh, đe dọa ngành chăn nuôi trong nước, ngày 13/9, Bộ NN&PTNT gửi công văn tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu địa phương quyết liệt ngăn chặn, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ biên giới vào Việt Nam.
Tại Lạng Sơn, trong 2 ngày 28 và 29/9, Công an tỉnh bắt giữ 2 vụ vận chuyển gia cầm nhập lậu. Trong đó, đêm ngày 28/9 tại huyện Lộc Bình, lực lượng chức năng thu giữ 4.800 gà con giống nhập lậu qua biên giới trị giá khoảng 50 triệu đồng. Chiều ngày 29/9, tại huyện Chi Lăng, các cơ quan liên ngành kiểm tra xe tải chở 19.800 gà con giống, trị giá khoảng 190 triệu đồng. Các chủ xe đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc lô hàng.
Lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn kiểm tra xe chở gia cầm. Ảnh: ST.
Trong bối cảnh nhập lậu giống gia cầm diễn biến phức tạp như hiện nay (chủ yếu tại khu vực cửa khẩu Chi Ma), chiều 3/10, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức cuộc họp khẩn với các đơn vị, địa phương trong tỉnh nhằm tìm phương án chấm dứt tình trạng này. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu, lực lượng Biên phòng, Hải quan tập trung cao độ, đẩy lùi các hoạt động vận chuyển trái phép hàng lậu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm; đặc biệt cần bổ sung nhân lực tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát cho địa bàn khu vực cửa khẩu Chi Ma.
Những con gà chíp nhập lậu từ Trung Quốc bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: Hùng Khang.
Kiên quyết đẩy lùi
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam: Các vụ việc vận chuyển giống gia cầm nhập lậu được lực lượng chức năng tại Quảng Ninh, Lạng Sơn bắt giữ rất nhỏ so với số lượng lớn gia cầm giống, sản phẩm gia cầm nhập lậu hàng năm và chưa thực sự phản ánh đúng tính chất, phạm vi, quy mô của các đường dây lớn buôn lậu gia súc, gia cầm đã và đang diễn ra suốt thời gian dài tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh giáp biên. Do đó, theo ông Sơn, không chỉ các địa phương biên giới, mà các tỉnh nội địa, ví dụ như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh… cũng cần mạnh tay với sản phẩm gia cầm, gia cầm giống không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch.
Nhằm triệt để ngăn chặn tình trạng gia cầm giống nhập lậu vào trong nước, Chính phủ, Bộ, ngành đã quyết liệt vào cuộc. Cụ thể, ngày 18/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ra Công điện số 426/CĐ-TTg ký yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là các tỉnh, thành phố biên giới chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam
Ngày 18/9, Bộ NN&PTNT cũng đã có công văn gửi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05, Bộ Công an) và các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương và TP Hà Nội… về việc phối hợp chỉ đạo tăng cường kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, đặc biệt tại các chợ đầu mối.
Sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương hy vọng sẽ nhanh chóng đẩy lùi tình trạng nhập lậu gia cầm hiện nay. Điều này không chỉ bảo vệ đàn gia cầm nuôi trong nước và còn bảo vệ các doanh nghiệp, cơ sở ấp nở gia cầm trong nước vốn đang rất khó khăn.
Nam Linh
(Tổng hợp)