(Người Chăn Nuôi) – Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1121/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược hướng đến mục tiêu làm chậm sự kháng thuốc, ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm; đồng thời sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật.
Cụ thể, đến năm 2030, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc; Củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật; Giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm; Sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm.
Cần giám sát chặt chẽ việc sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật. Ảnh: ST.
Đến năm 2045, kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc, có hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh hoạt động hiệu quả tương đương với các nước phát triển.
Để đạt được những mục tiêu đó, Chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Xây dựng Khung hành động chung làm nền tảng cho sự hợp tác đa ngành, điều phối, triển khai, giám sát các hành động theo trách nhiệm cụ thể của mỗi ngành.
Trong đó, về chính sách, pháp luật, quy định chuyên môn: Rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, chẩn đoán và điều trị, sử dụng thuốc kháng vi sinh vật, an toàn sinh học trong y tế, nông nghiệp.
Rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn về thực hành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; quản lý, xử lý chất thải của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở chế biến thực phẩm để kiểm soát dư lượng kháng sinh và các vi sinh vật kháng thuốc…
Truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về các nguyên nhân gây kháng thuốc, hậu quả của kháng thuốc và các biện pháp phòng, chống kháng thuốc; duy trì cam kết của cá nhân và xã hội đối với thay đổi hành vi để sử dụng thuốc kháng vi sinh vật có trách nhiệm, ngừng lạm dụng và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật sai mục đích; thúc đẩy các hành vi lành mạnh để ngăn ngừa nhiễm trùng và sự lây lan của chúng, trong đó chú trọng nhân viên y tế, thú y, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…
Củng cố năng lực hệ thống giám sát kháng thuốc ở người, động vật và tại cộng đồng; giám sát sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật để làm bằng chứng xây dựng, điều chỉnh hướng dẫn và các hoạt động can thiệp kịp thời ở cấp quốc gia và cấp cơ sở. Rà soát, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm, sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật lựa chọn ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe con người; kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát sự đề kháng, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật.
Chiến lược thực hiện 3 Đề án trọng điểm, trong đó Bộ NN&PTNT xây dựng và triển khai Đề án Nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường Hệ thống giám sát quốc gia về sự kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong thú y giai đoạn 2024 – 2030.
Nam Linh