Trong kỳ điều chỉnh giảm giá gần đây nhất, thức ăn chăn nuôi các loại giảm từ 100 – 400 đồng/kg. Đây là lần thứ 3 liên tiếp giảm kể từ đầu năm 2023.
Tin liên quan:
Giá thức ăn chăn nuôi giảm, người nuôi đỡ khó
Với quy mô nuôi 500 con lợn nái sinh sản, 8.000 con lợn thịt, 7.000 con gà và 2 ha nuôi cá nước ngọt, mỗi tháng, trang trại của anh Phạm Viết Đức, ở xóm 6, xã Thanh Hương (Thanh Chương) phải sử dụng 150 tấn thức ăn, chi phí khoảng 2 tỷ đồng.
Liên tiếp trong các năm 2020 – 2022, giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã thêm 40% so với trước năm 2020 nên những chủ trại chăn nuôi lớn như anh gặp không ít khó khăn. Từ tháng 3/2023 đến nay, thức ăn chăn nuôi sau 3 lần điều chỉnh, trung bình giảm 1.000 đồng/kg khiến anh Đức rất phấn khởi.
“Trong chăn nuôi, chi phí thức ăn chiếm 65% giá thành sản phẩm. Do đó, khi giá thành không đổi, giá thức ăn tăng cao thì lợi nhuận sụt giảm và ngược lại. Có thời điểm, giá thức ăn tăng quá cao, nhiều trang trại càng nuôi càng lỗ, buộc phải giảm đàn. Nay giá thức ăn giảm, mặc dù chưa như kỳ vọng nhưng cũng giúp những người chăn nuôi tiết kiệm được phần lớn chi phí đầu vào, có lãi hơn. Khi chăn nuôi có lãi thì sẽ tích cực vào đàn, tái đàn”, anh Đức cho biết.
Giá thức ăn giảm từ 300 đồng – 1.000 đồng/kg, người chăn nuôi Nghệ An tích cực tái đàn. Ảnh: Thanh Phúc
Không chỉ thức ăn cho lợn mà thức ăn cho gia cầm cũng điều chỉnh giảm, do đó, các chủ trại chăn nuôi gà, vịt quy mô lớn tiết kiệm hàng chục triệu đồng/tháng. Giá thức ăn giảm tức chi phí đầu vào giảm nên người chăn nuôi có lãi cao hơn.
Bà Cao Thị Loan, một hộ nuôi gà ở xã Diễn Trung (Diễn Châu) cho biết: “Giá cám cò cho gà qua 3 đợt điều chỉnh đã giảm khoảng 1.000 đồng/kg, tương ứng mỗi bao cám giảm 25.000 đồng. Mặc dù so với trước đây thì mức giá vẫn cao nhưng cứ đà này thì người chăn nuôi đỡ khó khăn hơn”.
Không chỉ người chăn nuôi phấn khởi mà các đại lý phân phối, các hộ kinh doanh mặt hàng thức ăn chăn nuôi cũng vui khi giá cám giảm, người dân vào đàn nhiều hơn, mạnh dạn tái đàn nên lượng hàng bán ra cũng tăng hơn trước.
Anh Nguyễn Tuấn, chủ một đại lý thức ăn chăn nuôi ở xã Đỉnh Sơn, Anh Sơn cho biết: “Trước đây, mỗi tháng tôi cung ứng ra thị trường Anh Sơn, Con Cuông khoảng 10 tấn thức ăn chăn nuôi các loại. Hai năm nay, giá thức ăn tăng cao, chăn nuôi thua lỗ nên người dân giảm đàn mạnh, nhiều hộ treo chuồng nên sản lượng tiêu thụ cũng giảm mạnh, còn 50% so với trước, chủ yếu là bán cám cò cho gia cầm. Nay giá thức ăn chăn nuôi giảm, tình hình kinh doanh cũng có nhiều khởi sắc hơn trước”.
Trong 6 tháng đầu năm, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng trên đà giảm. Trong đó, giá ngô hạt giảm nhiều nhất (5,7%), giá bã rượu khô giảm 3,8%. Theo đó, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm các loại giảm từ 300 đến 1.200 đ/kg. Theo dự báo, giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn giảm nhẹ vào cuối năm 2023 và kéo dài đến đầu năm 2024.
Theo các chuyên gia, thức ăn chăn nuôi chiếm từ 65 – 70 % giá thành sản xuất, việc các công ty thức ăn chăn nuôi điều chỉnh giảm cộng với giá thành gia súc, gia cầm đang ở mức tốt sẽ là điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi phục hồi sản xuất sau một giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, vào giai đoạn này đang là thời kỳ vào đàn, tái đàn phục vụ cho thị trường cuối năm.
Tuy nhiên, hiện tại tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh thành trên cả nước; do đó, người chăn nuôi cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi và tính toán, cân nhắc thời điểm tái đàn phù hợp để tránh hiện tượng dư thừa nguồn cung.
Thanh Phúc
Nguồn: Báo Nghệ An