Nhờ điều kiện môi trường phù hợp, nguồn thức ăn đa dạng, nhất là nhiều rầy nâu, rầy xanh, côn trùng, mối… nên thời gian qua người dân ở các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh nghề nuôi chim yến trong nhà. Cũng từ hiệu quả bước đầu mang lại khá cao nên các nơi ùn ùn chạy đua xây nhà yến kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, tiếng ồn, chất lượng yến… đe dọa sự phát triển bền vững của nghề này.
Nhà yến tăng chóng mặt
Cách nay hơn 15 năm, gia đình chị Trần Tú Hồng, ngụ phường An Bình (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) là một trong những hộ đầu tiên ở địa phương “tập tành” nuôi chim yến. Chị kể lại: “Thời điểm đó chim yến bỗng nhiên xuất hiện khá nhiều ở TP Rạch Giá nên chị bắt đầu tìm hiểu về loài chim này. Sau đó, gia đình quyết định chuyển căn nhà mới xây 1trệt, 1 lầu phía trước có con sông, phía sau là đồng lúa nằm ở phường Vĩnh Hiệp dự định làm nơi nuôi gà, sang nuôi thử nghiệm chim yến. Trong 2 tháng đầu chỉ có 2 con chim yến về ở, nhưng sau đó đàn yến cứ tăng dần và khoảng hơn 1 năm là có tổ yến để thu hoạch…”. “Lần đầu tiên bán chỉ có nửa ký yến thô mà được tới 20 triệu đồng khiến cả nhà bất ngờ. Bởi nếu so với nghề làm nước mắm truyền thống của gia đình thì phải bán rất nhiều thùng mới thu về số tiền như vậy. Chính nghề nuôi yến mang lại hiệu quả kinh tế cao nên sau đó gia đình mở rộng quy mô sản xuất. Từ năm 2016 – 2018, bình quân mỗi đợt thu hoạch được hơn 15kg yến thô, bỏ túi trên dưới khoảng 300 triệu đồng, thấy mê lắm…”, chị Hồng bộc bạch.
Thấy nhiều người nuôi yến có hiệu quả kinh tế cao, nên chị Nguyễn Thị Thái Bình, ngụ phường Vĩnh Lạc (TP Rạch Giá) làm theo. Chị Bình cho biết: “Trước đó, gia đình làm nghề xây dựng chuyên ép cọc bê tông; đồng thời kinh doanh nhà nghỉ và buôn bán quần áo. Thấy nghề nuôi chim yến thịnh hành nên gia đình chuyển một phần nhà nghỉ, nhà ở sang nuôi chúng. Đến lúc có nguồn thu kha khá từ chim yến thì gia đình tiếp tục đầu tư làm nhà yến mới ở ngoại ô TP Rạch Giá, đảm bảo các tiêu chuẩn, kỹ thuật… nhằm phát triển lâu dài. Đến nay, gia đình có được 5 nhà yến, nguồn thu ổn định cuộc sống…”. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, từ những nhà yến ban đầu khoảng năm 2003, đến nay toàn tỉnh có gần 3.000 nhà nuôi chim yến (nhiều nhất cả nước); sản lượng năm 2022 khoảng 17,5 tấn, giá bán tổ yến thô từ 15 – 25 triệu đồng/kg; yến sào làm sạch, đóng hộp từ 30 – 35 triệu đồng/kg; thu về 300 – 350 tỉ đồng mỗi năm.
Chế biến yến sào ở tỉnh Kiên Giang, phục vụ nhu cầu tiêu thụ các nơi.
Từ nghề nuôi chim yến tại Kiên Giang “ăn nên làm ra”, được ví như nghề “hái lộc trời”, do đó nhiều nơi khác học hỏi làm theo. Ông Nguyễn Văn Ba, ngụ huyện Châu Phú (An Giang) tâm sự: “Cách nay hơn 5 năm có người quen rủ đi học kinh nghiệm nuôi chim yến, bởi khu vực này có đồng ruộng rộng, nguồn thức ăn nhiều nên tôi làm theo. Khi về, tôi thuê thợ cơi nới căn nhà đang ở cao lên và thiết kế khu vực dẫn dụ chim yến. Qua mấy năm nuôi, thấy nghề này “sống được” nên tôi đầu tư thêm 2 nhà yến nữa; mỗi năm thu về vài trăm triệu đồng”. Cùng với huyện Châu Phú thì nhiều hộ ở huyện Thoại Sơn, TP Long Xuyên, TP Châu Đốc… cũng phát triển nuôi chim yến; ước tính toàn tỉnh An Giang có hơn 1.200 nhà nuôi chim yến.
Gian nan quản lý…
Có thể thấy, nghề nuôi chim yến ở ĐBSCL phát triển nhanh trong những năm qua, bởi hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” không theo quy hoạch, không theo định hướng, chủ yếu là người dân tự cơi nới thêm tầng từ nhà ở làm nhà nuôi chim yến trong khu đông dân cư, khu đô thị… đã bộc lộ nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh; tiếng ồn ảnh hưởng đời sống và sinh hoạt của người dân.
Thời gian qua, tại nhiều nơi ở ĐBSCL không ít trường hợp người dân đến trụ sở UBND phường, xã hoặc phản ánh với HĐND các cấp về tiếng ồn, mở loa dẫn dụ chim yến quá lớn, mở liên tục… gây đảo lộn cuộc sống ở các khu đô thị. Trước thực trạng trên, HĐND các tỉnh ĐBSCL đã ban hành nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, cho biết, nghề nuôi chim yến ở tỉnh bắt đầu từ năm 2004 và phát triển rất nhanh, đến nay tỉnh có hơn 1.500 nhà nuôi chim yến. Để tăng cường quản lý nghề này, vào năm 2022, HĐND tỉnh Bạc Liêu có nghị quyết về “Quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh”. Phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kết hợp với Thanh tra của Sở NN&PTNT, cùng các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra các cơ sở nuôi chim yến. Qua đó, phát hiện và nhắc nhở nhiều hộ nuôi vi phạm quy định về phát loa dẫn dụ quá giờ, gây tiếng ồn; yêu cầu chủ hộ cam kết chấn chỉnh. Ngoài ra, tăng cường quản lý việc xây mới nhà yến. Cụ thể, những trường hợp nhà yến đã hoạt động trước đây thì giữ nguyên trạng, không được cơi nới; về lâu dài có hướng di dời nhà yến ra khỏi khu vực nội thành, khu dân cư; đối với nhà yến mới tuyệt đối không cho xây trong khu đô thị, khu đông dân cư…
Tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố, nhìn nhận: “Việc nuôi chim yến thời gian qua mang tính tự phát; do đó khi HĐND thành phố có nghị quyết quy định khu vực không được nuôi chim yến thì công tác quản lý được tăng cường. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ không khuyến cáo nuôi chim yến, không quy hoạch phát triển nghề này bởi không là thế mạnh của địa phương”.
Theo ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, vào tháng 8-2022, HĐND tỉnh đã có nghị quyết liên quan đến việc nuôi chim yến. Song, thực tế cơ quan chức năng mỗi khi kiểm tra cũng gặp nhiều khó khăn bởi các hộ nuôi đa phần là tư nhân, họ thường hay hẹn lần này, lần khác hoặc không muốn cho người lạ vào nhà yến vì ngại ảnh hưởng đàn yến. Do đó, mỗi khi kiểm tra phải mất nhiều thời gian, công sức. Biện pháp khả thi nhất hiện nay là siết chặt quản lý, không cho phát triển mới, cơi nới thêm nhà nuôi yến trong các khu đô thị, khu dân cư, nơi không cho nuôi yến theo nghị quyết của HĐND tỉnh…
Ông Lý Minh Hoàng, ngụ TP Rạch Giá, trăn trở: “Sau khoảng 15 – 20 năm bùng nổ nghề nuôi chim yến ở Kiên Giang thì nay nghề này có dấu hiệu “bão hòa” và đi xuống. Nếu như trước đây nhà yến ít nên số lượng yến về đông, từ đó cho tổ yến nhiều, mang về nguồn thu lớn. Nay nhà yến quá nhiều, trong khi đàn yến sinh sôi không kịp tốc độ xây nhà mới; ngoài ra nhiều đàn yến chết đi do già, do thiên tai, mưa bão, nạn săn bắt tràn lan, cộng với môi trường bị tác động, thiếu thức ăn… nên số lượng đàn giảm là hiển nhiên”. Các hộ nuôi yến ở TP Rạch Giá cho hay, trước đây các nhà yến mỗi năm thu hoạch từ 3 – 4 đợt thì năm nay giảm xuống còn khoảng 2 đợt. Ngoài ra, tổ yến cũng bị nhỏ hơn trước và số lượng tổ giảm từ 30% trở lên so với năm 2022. Mặt khác, giá yến thô trên thị trường cũng giảm xuống 14-15 triệu đồng/kg, bởi ảnh hưởng suy thoái kinh tế và tình trạng nhập khẩu yến xô giá thấp từ Malaysia, Indonesia… Các vấn đề này đặt ra cho người nuôi chim yến và cơ quan chức năng cần có hành động cấp bách để bảo vệ đàn yến và nghề nuôi chim yến. Không riêng gì Kiên Giang mà một số nơi ở Trà Vinh, Bạc Liêu… số lượng đàn yến có dấu hiệu giảm.
Các Chi hội Yến sào ở ĐBSCL khuyến cáo, thận trọng mở rộng nhà yến lúc này bởi chi phí đầu tư bạc tỉ (4 – 5 triệu đồng/m2), nhưng khả năng khó thu hồi vốn. Đặc biệt, kiến nghị cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện Công điện số 595/CĐ-TTg ngày 30-6-2023 của Thủ tướng Chính phủ “về tăng cường các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến”, bởi tình trạng săn bắt chim yến khá phổ biến sẽ khiến đàn bị mất dần. Thay vì mở thêm nhà yến, phát triển số lượng thì đã đến lúc tập trung vào chất lượng với nhiều giải pháp như bảo vệ đàn yến, bảo vệ môi trường phù hợp ổn định, nguồn thức ăn đảm bảo cho yến sinh sống. Ngoài ra, xúc tiến xây dựng thương hiệu, mã số nhà yến… phục vụ xuất khẩu chính ngạch.
Bài, ảnh: Phước Bình
Nguồn: Báo Cần Thơ