Chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá bán sản phẩm giảm, sản xuất thua lỗ đã khiến nhiều nông hộ nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh “treo chuồng”.
Nhiều hộ chăn nuôi bỏ cuộc
Không khí nhộn nhịp, tất bật không còn thấy ở Hợp tác xã Gà ta Mười Tín (HTX Mười Tín, thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng, Tam Kỳ) những ngày này. Thay vào đó, hàng chục dãy chuồng trại nuôi gà bỏ không.
Ông Đoàn Ngọc Tiến – Giám đốc HTX Mười Tín cho biết, 4 hộ nuôi gà đã “bỏ cuộc”, 8 thành viên chỉ còn 4 tham gia sản xuất. Song ông Tiến phải trợ giúp bằng cách “đặt hàng” để 4 hộ còn lại cầm cự với nghề nuôi gà.
“Mọi khi tôi nuôi 2 nghìn con gà mỗi tháng, nay chỉ nuôi 1 nghìn con thôi, còn lại thu mua trong HTX để giết mổ cung cấp cho các mối làm ăn quen thuộc” – ông Tiến nói.
Ông Đoàn Ngọc Tiến – Giám đốc Hợp tác xã Gà ta Mười Tín với đàn gà đang nuôi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi & thú y, đàn heo Quảng Nam ước đạt 325.500 con; đàn gia cầm ước đạt 8,8 triệu con, trong đó đàn gà ước đạt 6,8 triệu con.
Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, để chăn nuôi có hiệu quả, khuyến khích người chăn nuôi sử dụng nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp sẵn có tại địa phương như rau, sắn, bắp và có cách phối hợp khẩu phần tối ưu để hạ chi phí chăn nuôi.
Khó khăn chồng chất với các hộ nuôi gà. Ông Tiến ước tính, để nuôi được 1kg gà thịt cần 40 nghìn tiền thức ăn chăn nuôi, cộng thêm với gà giống, vật tư, nhân công…, tổng cộng chi phí cho mỗi ký gà thương phẩm gần 60 nghìn đồng.
Hiện nay, gà ta thịt bán cho các nhà hàng, trường học, siêu thị ở mức 60 nghìn đồng/kg. Như vậy nuôi gà không có lãi, chỉ cần hao hụt trong quá trình nuôi là lỗ.
“Dịp tết rồi HTX bán gà thịt được 90 nghìn đồng/kg rất phấn khởi. Nhưng từ đầu năm đến nay chi phí sản xuất tăng nên nhiều hộ đã bỏ cuộc. Mong sao qua giai đoạn khó khăn này và giá bán gà ta tăng trở lại” – ông Tiến nói.
Không chỉ gà, giá heo thịt hiện nay cũng xuống ngang bằng giá thành chăn nuôi. Ông Phạm Phú Trường – chủ hộ nuôi heo ở thôn Linh Cang (xã Bình Phú, Thăng Bình) nói nếu không vì đàn heo nái 10 con thì đã ngưng chăn nuôi heo từ lâu. Theo ông Trường, để nuôi con heo đạt trọng lượng 70kg thì tốn gần 5 triệu đồng, bằng với số tiền bán con heo này.
“Tôi tự chủ con giống mà còn sợ lỗ thì huống chi các hộ nuôi heo khác. Tình cảnh ngặt nghèo lắm, giá thức ăn tăng vọt, giá heo thương phẩm giảm, không biết đến bao giờ mới qua được tình cảnh này” – ông Trường nói.
Giảm lệ thuộc thị trường
Do ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của dịch COVID-19, chi phí vật tư chăn nuôi tăng cao, thị trường tiêu thụ bất ổn và giá sản phẩm chăn nuôi giảm sâu… khiến nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tạm ngưng hoạt động do thua lỗ.
Nước ta hội nhập sâu với kinh tế thế giới. Một mặt ngành chăn nuôi phải nhập khẩu “trọn bộ” từ nguyên liệu thức ăn đến con giống, thuốc thú y, vật tư nên giá thành chăn nuôi quá cao. Ngược lại, thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi giảm nên hàng nhập khẩu ngày càng rẻ…, khiến các hộ nuôi nhỏ lẻ khó cạnh tranh trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Mười – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Thăng cho biết, cách đây không lâu, 2 tổ hợp tác chăn nuôi heo, gà ở 2 thôn Thái Nam và Tân Thái đã “đầu hàng” và tan rã. Các hộ chăn nuôi heo, gà theo quy mô gia đình cũng chuyển đổi sang sinh kế khác.
“Tôi nghĩ giải pháp là các ngành chức năng cần “cân đối” lại các sản phẩm nhập khẩu từ heo, gà theo hướng giảm để tương quan với sản phẩm trong nước, qua đó tăng cạnh tranh, giúp chăn nuôi trong nước tái cơ cấu bằng các cách phù hợp, thúc đẩy phát triển bền vững. Nhà nước cần điều tiết thị trường để kìm đà tăng giá thức ăn, vật tư chăn nuôi heo, gà” – ông Mười nói.
Thị trường ngách đang là hướng mở để HTX, người chăn nuôi nhỏ lẻ vượt qua khó khăn. Ghi nhận của chúng tôi, ở các huyện miền núi, nhiều HTX đã liên kết với người dân để nuôi heo đen bản địa rồi thu mua, chế biến, cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh.
Lợi thế của mô hình chăn nuôi này là tận dụng hầu như tất cả phụ phẩm, nguồn rau dồi dào làm thức ăn cho heo để giảm chi phí. Các loại sản phẩm heo đen xông khói, chả heo đen, giò, xúc xích được chế biến sau khi giết mổ cung ứng ra thị trường được khách hàng ưa chuộng. Tuy vậy heo đen là sản phẩm đặc trưng bản địa, chỉ phát triển hiệu quả ở miền núi.
Bà Hoàng Thị Kim Yến – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y khuyến cáo các hộ đang chăn nuôi gia súc, gia cầm cần liên kết chặt chẽ với các đơn vị cung ứng vật tư và đơn vị tiêu thụ sản phẩm để có phương án sản xuất phù hợp, tránh bị tư thương ép giá.
Đối với heo, gà đang nuôi cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo quy định, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chuồng trại, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng để hạn chế rủi ro.
Ông Lê Cần – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, đang tập trung kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm từ heo, gà trên thị trường, nhất là hàng nhập khẩu, nếu phát hiện sai phạm về kinh doanh, dịch vụ sẽ xử phạt nghiêm để ổn định thị trường. Đó cũng là cách đồng hành với các hộ chăn nuôi hiện nay.
Việt Nguyễn
Nguồn: Báo Quảng Nam