Phòng bệnh vật nuôi mùa hè

Mùa hè, thời tiết nắng nóng, độ ẩm không khí cao. Chăn nuôi hiện còn phân tán, điều kiện vệ sinh môi trường kém nên là cơ hội cho các loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển thành dịch và lây lan ra diện rộng.

Đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp, đường tiêu hoá như dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh ở lợn; tụ huyết trùng; E.Coli ở cả gia súc gia cầm; bệnh CRD ở gà. Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong mùa hè có hiệu quả, bà con cần thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi

– Chuồng trại bảo đảm vệ sinh, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông tránh gió lùa. Vệ sinh chuồng trại hằng ngày; tổ chức thu gom phân chất thải đem đốt hoặc ủ mục, các dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, máng uống phải được cọ rửa. Định kỳ phun thuốc sát trùng. Các loại hoá chất sát trùng khi sử dụng phải theo hướng dẫn của nhà sản xuất; phun đúng kỹ thuật. Nên có hố sát trùng trước cửa chuồng nuôi lợn, gia cầm để khử trùng trước khi vào chuồng nuôi.

phòng bệnh chăn nuôi mùa hè

Thực hiện nghiêm túc việc tiêm vaccine để phòng bệnh cho vật nuôi

– Con giống gia súc, gia cầm phải khẳng định được nhập về từ cơ sở sản xuất con giống an toàn dịch bệnh, rõ nguồn gốc và phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y nơi xuất phát. Nên thực hiện "cùng nhập, cùng xuất", đặc biệt đối với chăn nuôi gia cầm nên nuôi cùng một loại gia cầm là tốt nhất và áp dụng hình thức nuôi khép kín. Sau khi xuất bán phải để trống chuồng ít nhất 15 ngày để làm vệ sinh trước khi nhập con giống mới vào nuôi lứa tiếp. 

Con giống mới nhập trại phải được nuôi cách ly ít nhất trong 2 tuần đầu, trong thời gian này, nếu thấy đàn gia súc, gia cầm vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện dịch bệnh mới nhập vào khu vực chăn nuôi của trại.

2. Trong quá trình chăn nuôi bà con phải thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi và thực hiên nghiêm túc việc tiêm phòng vaccine để phòng các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

3. Thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi trong trại, chủ động cập nhật kịp thời về tình hình dịch bệnh tại địa phương và các vùng lân cận. Khai báo với chính quyền địa phương, cán bộ thú y cơ sở khi phát hiện đàn vật nuôi có các biểu hiện bất thường và các triệu chứng của bệnh truyền nhiễm. Tuyệt đối không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ gia súc, gia cầm bệnh, ném xác gia súc, gia cầm bệnh ra môi trường làm dịch lây lan ra các khu vực chăn nuôi khác và làm mất vệ sinh môi trường.

Nguyễn Minh Đức – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương

Nguồn: Báo Hải Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *